Hoạt động tôn giáo ở Việt Nam: Sôi động, đa dạng và tự do trong khuôn khổ pháp luật

Hiện nay, quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam luôn được đảm bảo và ngày càng được cải thiện theo xu thế phát triển của đất nước và xu thế chung của thời đại.

Đại lễ Phật đản Vesak 2019 tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam. (Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ)

Mới đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Tự do tôn giáo, trong đó tiếp tục đề cập những thông tin thiếu khách quan và chưa được kiểm chứng, vu cáo Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Tuy nhiên, những đánh giá phiến diện, sai lệch và tiêu cực này không phản ánh đúng thực chất hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Hiện nay, quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam luôn được đảm bảo và ngày càng được cải thiện theo xu thế phát triển của đất nước và xu thế chung của thời đại.

Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo sôi động và đa dạng

Trên thực tế, đời sống tín ngưỡng tôn giáo ở nước ta hiện nay khá sôi động và đa dạng với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, nhiều tổ chức tôn giáo và mô hình tổ chức khác nhau.

Tính tới nay, theo Cục An ninh Nội địa (Bộ Công an), Việt Nam đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với 60 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa hảo và cấp đăng ký hoạt động với 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự.

95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng tôn giáo trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân. Tính đến năm 2018, có 12 báo, tạp chí liên quan tôn giáo. Phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng.

Việc ra đời các tổ chức tôn giáo phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời khẳng định Việt Nam không phân biệt giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo hay không; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào dù nội sinh hay được truyền từ nước ngoài, dù là tôn giáo đã ổn định lâu dài hay mới được công nhận.

Trong 5 năm qua, hơn 3.000 đầu ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hơn 10 triệu bản in, hàng triệu CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam như Đại lễ Phật đản Vesak, 500 năm cải chính đạo Tin lành…

Điều đáng nói, tự do tôn giáo các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm: năm 2017, Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ; ở Bình Phước và Tây Nguyên có 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang sinh hoạt tại 304 chi hội và hơn 1.300 điểm nhóm; ở Tây Bắc có 693 điểm nhóm Tin lành, 8 Hội thánh cơ sở được thành lập; nhiều điểm nhóm của người dân tộc thiểu số theo Hội thánh Lutheran, Hội Liên hữu Baptist Việt Nam đã đăng ký sinh hoạt tập trung...

Quan trọng hơn, các tôn giáo được tự do hành lễ, dù ở nhà riêng hay các nơi thờ tự; được tạo điều kiện mở mang cơ sở vật chất, tu sửa nơi thờ tự, được mở các trường đào tạo những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển của Giáo hội, được Nhà nước tạo điều kiện phát triển các quan hệ giao lưu quốc tế…

Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động đã xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo đậm chất nhân văn tôn giáo và trách nhiệm với đất nước, dân tộc.

Tuy nhiên một bộ phận nhỏ chức sắc và tín đồ một số tôn giáo có nhiều tham vọng chính trị và bị tác động, ảnh hưởng bởi luận điệu tuyên truyền, lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước, nên đã liên kết và phụ họa với các thế lực thù địch, các phần tử phản động trong và ngoài nước có những hành động cực đoan, quá khích chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo nói riêng và trên các lĩnh vực nói chung.

Những đối tượng này đã lợi dụng tôn giáo, lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo để kích động và tiến hành các hoạt động chống chính quyền, chống chế độ xã hội chủ nghĩa dưới chiêu bài “đấu tranh cho tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền”.

Tự do trong khuôn khổ luật pháp

Ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, quyền tự do tôn giáo hay bất cứ một quyền dân sự hoặc chính trị nào khác cũng đều phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật.

Điều 18 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nêu rõ: “Quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình chỉ phải chịu các giới hạn chẳng hạn như các giới hạn được luật pháp quy định và các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội, hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản và quyền tự do của những người khác”.

Mặt khác, quyền tự do tôn giáo là vấn đề có tính lịch sử, phụ thuộc vào từng thời điểm lịch sử cụ thể ở từng quốc gia, gắn với một thể chế chính trị - xã hội và điều kiện kinh tế – văn hóa - xã hội cụ thể nhất định. Không thể tồn tại một khái niệm quyền tự do tôn giáo chung chung, trừu tượng mà lại không gắn với một bối cảnh và thực thể nhất định.

Chính vì vậy, trên phương diện quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia, các thể chế chính trị bình đẳng, độc lập, không thể đem giá trị, quan niệm và tiêu chuẩn về tự do tôn giáo ở một quốc gia này để áp dụng hay đo lường, đánh giá mức độ quyền tự do tôn giáo ở một quốc gia khác và buộc quốc gia đó phải tuân theo.

Tại Việt Nam, trong cuộc họp báo ngày 11/6 vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Như đã nhiều lần khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân”.

Tuy vậy, tự do tín ngưỡng và tôn giáo phải luôn được thực hành trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc và điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù của đất nước.

Việt Nam không ngừng cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng tôn giáo trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo.

Điều 24, Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp quy khác như Bộ luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Luật Đất đai, Luật Giáo dục, Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016)..., Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực từ 15/11/2004, đã thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Ngày 1/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2005/NĐ-CP để hướng dẫn một số điều trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn hoạt động tôn giáo tại Việt Nam, tháng 11/2012, Việt Nam đã ban hành Nghị định 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết về biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh hoạt tôn giáo của người dân…

Khẳng định vị thế, đảm bảo các quyền và tự do cho nhân dân

Thời gian qua, ở Việt Nam đã diễn ra nhiều sự kiện quốc tế quan trọng khẳng định uy tín ngày càng cao của đất nước, thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới.

Ngày 7/6/2019, tại phiên bỏ phiếu chọn Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an do Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức, Việt Nam được bầu với số phiếu tín nhiệm rất cao (192/193).

Ngày 20/6/2019, tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tổ chức ở Geneva (Thụy Sỹ), với sự chứng kiến của đại diện 192 nước thành viên, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua Báo cáo về tình hình đảm bảo quyền con người tại Việt Nam chu kỳ 2 trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR)...

Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn đã được tổ chức thành công ở Việt Nam, trong đó có các sự kiện: Kỷ niệm 500 năm cải chánh Đạo Tin lành, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak vừa được tổ chức vào tháng 5/2019, Tổng Hội dòng Đa minh thế giới, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Các sự kiện này cho thấy những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống người dân, phát triển đất nước cũng như tích cực cùng nhân loại xây đắp, củng cố hòa bình trong khu vực và trên thế giới, xây dựng quan hệ bình đẳng cùng có lợi giữa các quốc gia để cùng phát triển.

Từ tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc của Việt Nam trong nỗ lực tăng cường, tạo điều kiện để nhân dân được thụ hưởng các quyền kinh tế - xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị theo các chuẩn mực quốc tế, nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật và các cơ chế, chủ trương, chính sách, người dân ngày càng được bảo đảm tốt hơn các quyền và tự do (trong đó, có tự do tín ngưỡng, tôn giáo), đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng cao...

Những thực tế trên cho thấy, sự thật về cái gọi là Việt Nam “đàn áp” tự do tôn giáo của Báo cáo Tự do tôn giáo mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra là không có cơ sở và không phù hợp với bước tiến tích cực trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua.

Chúng tôi ghi nhận Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề cập những thành tựu và tiến triển của Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam. Tuy nhiên, Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn có những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng về tình hình Việt Nam. Việt Nam tiếp tục duy trì và sẵn sàng tăng cường hợp tác, trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau thông qua các khuôn khổ đối thoại song phương, trong đó có đối thoại nhân quyền thường niên; qua đó, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”. (Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng)

Chu An

Chu An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoat-dong-ton-giao-o-viet-nam-soi-dong-da-dang-va-tu-do-trong-khuon-kho-phap-luat-118904.html