Hoạt động tín dụng tăng trưởng khá

Thời gian gần đây, hàng loạt các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Bưu điện (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank),... đã tăng lãi suất tiền gửi, nhất là với các kỳ ngắn hạn. Vietcombank tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm thêm từ 0,1 đến 0,3% cho các kỳ hạn dưới 12 tháng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng tăng lãi suất cho kỳ hạn dưới ba tháng từ 0,2 đến 0,3%, lên mức 4,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn sáu tháng và chín tháng lần lượt được điều chỉnh thêm 0,2 và 0,1%... Một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank),… nâng mạnh lãi suất tiền gửi các kỳ hạn chín tháng, 12 tháng từ 0,2 đến 0,5%.

Theo các chuyên gia, động thái này của các ngân hàng nhằm thu hút vốn, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong dịp cuối năm. Đồng thời, cũng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm gia tăng của người dân khi các dịp lễ lớn như Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán đang đến gần. Các ngân hàng chủ yếu tăng lãi suất huy động ở các kỳ ngắn hạn bởi nguồn vốn huy động ngắn hạn hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn huy động.

Với việc tăng lãi suất tiền gửi, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tháng 10-2018 ước đạt 2.996 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 13,6% so với thời điểm tháng 12-2017. Trong đó, lượng tiền gửi chiếm 94,9%. Nguồn vốn huy động này đạt mức tăng trưởng khá, bảo đảm cân đối đủ để thực hiện cấp tín dụng và chấp hành các quy định của pháp luật về tỷ lệ bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn. Hiện, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội ước đạt 1.822 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và 13,9% so với thời điểm cuối tháng 12-2017. Trong đó, dư nợ cho vay đạt 1.598 nghìn tỷ đồng, chiếm 87,7%, còn lại là dư nợ đầu tư. Dư nợ cho vay trung hạn và dài hạn chiếm hơn 60%. Hết tháng 10-2018, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 2,4% tổng dư nợ, cơ bản được kiểm soát.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội đánh giá, nhìn chung hoạt động tín dụng vẫn giữ được đà tăng trưởng khá, thể hiện xu hướng phát triển tích cực và mức ổn định trong thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng. Tỷ lệ an toàn vốn, an toàn trong hoạt động ngân hàng tiếp tục được bảo đảm, đặc biệt chú trọng công tác quản trị rủi ro thanh khoản và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.

Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi tăng cũng khiến nhiều doanh nghiệp, người dân lo lắng về việc ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho vay. Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, hạn chế tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng thời điểm từ nay đến cuối năm. Giải pháp này nhằm tạo thêm sự linh hoạt khi ứng phó các diễn biến bất lợi trên thị trường tài chính thế giới.

Bình Nguyên

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38184902-hoat-dong-tin-dung-tang-truong-kha.html