Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nha Trang: Sáng tạo, hữu ích

Thời gian qua, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang có nhiều nỗ lực trong các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ (KH-CN) phục vụ công tác giáo dục đào tạo tại một trường nghề trọng điểm.

Nhiều công trình, đề tài thiết thực

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cây xanh ở khuôn viên trường học dễ bị khô héo khi thiếu người chăm sóc; vào mùa nắng, nhân viên cây xanh của trường phải thường xuyên đi mở van nước tưới cho cây, 2 sinh viên Nguyễn Kim Ngọc và Ngô Nhơn Hạo (Khoa Điện - Điện tử) đã nghiên cứu, chế tạo “Bộ điều khiển tưới cây tự động sử dụng năng lượng mặt trời”.

 Triển lãm mô hình “Hệ thống lái xe mô phỏng ứng dụng phần mềm giả lập” tại Ngày Khoa học và Công nghệ

Triển lãm mô hình “Hệ thống lái xe mô phỏng ứng dụng phần mềm giả lập” tại Ngày Khoa học và Công nghệ

Với chi phí hơn 5 triệu đồng (hệ thống đường ống và van phun mưa có sẵn), các bạn đã tạo ra bộ điều khiển năng lượng mặt trời hoàn toàn tự động tưới cho cây, không tốn nhiều công sức để kéo dây, tưới và tắt điện. Hệ thống sử dụng điện áp 12VDC nên rất an toàn; đồng thời sử dụng năng lượng mặt trời tạo ra điện năng cung cấp cho hệ thống tưới. Ngoài ra, việc bố trí các cảm biến đo độ ẩm đất, mưa giúp chủ động tưới nước cho cây trồng, hoa viên... Giải pháp này đã lọt vào chung kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp (Startup Kite 2021) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cuối năm 2021 sau khi vượt qua hàng trăm đề tài khác.

Một đề tài mới đưa vào ứng dụng tại trường là “Hệ thống lái xe mô phỏng ứng dụng phần mềm giả lập” của Thạc sĩ Trần Đình Ngọc Anh - Phó Trưởng khoa Cơ khí, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và đưa ứng dụng khoa học vào cuộc sống. Thầy Anh cho hay, thường kinh phí mua một chiếc xe ô tô từ 500 triệu đồng trở lên và hệ thống mô phỏng lái xe cũng có giá từ 300-500 triệu đồng. Việc xây dựng hệ thống lái xe mô phỏng là giải pháp đáp ứng các mục tiêu khác nhau trong quá trình huấn luyện lái xe, tiết kiệm kinh phí đào tạo. Chính vì thế, nhóm đã nghiên cứu ứng dụng và thực hiện sáng kiến cải tiến “Hệ thống lái xe mô phỏng ứng dụng phần mềm giả lập” đào tạo lái xe với chi phí chỉ bằng 5-10% so với giá các thiết bị trên thị trường.

Ngoài thiết bị phần cứng bao gồm các bộ phận chính như: Vô lăng, hộp số, chân côn, bàn đạp ga, chân phanh..., phần mềm có các chương trình đào tạo thực tế như: Bài lái sa hình theo tiêu chuẩn bài thi sát hạch các cấp độ; bài lái đô thị, cao tốc, đồi núi; hệ thống đồng hồ hiển thị vận tốc, vòng quay; chương trình giả lập các điều kiện lái… Tất cả giúp học viên tiết kiệm chi phí, thời gian, làm quen gần như 100% các thao tác trên ô tô thật...

Tăng cường các đề tài có tính ứng dụng cao

5 năm qua (2016-2021), hoạt động KHCN của nhà trường có nhiều khởi sắc. Hàng năm, nhà trường có chính sách hỗ trợ cho cán bộ, nhà giáo, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, thiết kế, chế tạo mô hình học cụ, xây dựng chương trình phục vụ cho công tác đào tạo. Bên cạnh đó, nhà trường đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế nhằm xây dựng và phát triển nhà trường trở thành trường chất lượng cao của cả nước. Trường tham gia các dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ theo nguồn vốn ODA của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức hỗ trợ. Cán bộ, giáo viên nhà trường được tham gia tập huấn, nâng cao kỹ năng với các đối tác quốc tế như: Vương quốc Anh, Úc, Đức, Malaysia… Đến nay, trường là một trong 45 trường cao đẳng của Việt Nam được sử dụng 22 bộ chương trình chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức để đào tạo thí điểm cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng của Đức đồng thời cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế.

Thạc sĩ Phan Mai Phương Duyên - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường rất quan tâm đến công tác nghiên cứu KH-CN, cụ thể có rất nhiều công trình, đề tài có ý nghĩa thiết thực trong việc đào tạo giảng dạy cho sinh viên, học sinh trường nghề. Tuy nhiên, các sáng kiến đều hướng đến giải quyết những công việc, những khó khăn nội tại trong nhà trường, chưa có những đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng rộng rãi. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục động viên cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường thực hiện các nhiệm vụ KH-CN mang tính ứng dụng sâu rộng hơn, sát với thực tiễn cuộc sống.

5 năm (2016-2021), nhà trường có 77 giải pháp sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Bình quân hàng năm có từ 15-20 sáng kiến, bao gồm các giải pháp về kỹ thuật, quản lý và tác nghiệp. Một số đề tài nổi bật như: Xây dựng quy trình sản xuất bột rau má giàu hoạt chất Tritepenonide saponin; mô hình thực hành tủ báo cháy, báo khói tự động; mô hình hệ thống đèn chiếu sáng khẩn cấp; mô hình thử nghiệm máy nén piston kín; xây dựng hệ thống chấm bài trắc nghiệm tự động...

VĨNH LẠC

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202206/hoat-dong-nghien-cuu-khoa-hoc-cong-nghe-o-truong-cao-dang-ky-thuat-cong-nghe-nha-trang-sang-tao-huu-ich-8253346/