Hoạt động kinh doanh chất bán dẫn của Sony chậm lại sau 'cú ngã' của Huawei

Dù Sony tránh được sự sụt giảm mạnh về số lượng sản phẩm bán dẫn xuất xưởng nhờ đơn hàng từ các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc khác, nhưng việc phục hồi doanh thu có vẻ sẽ bị trì hoãn.

Trụ sở tập đoàn Sony tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 1/2/2019. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Trụ sở tập đoàn Sony tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 1/2/2019. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh chất bán dẫn của tập đoàn Sony (Nhật Bản) đã chậm lại trong thời gian qua, phản ánh sự sụt giảm trong xuất khẩu mặt hàng cảm biến hình ảnh cho điện thoại thông minh của Huawei Technologies do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Mặc dù Sony đã tránh được sự sụt giảm mạnh về số lượng sản phẩm bán dẫn xuất xưởng nhờ vào đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc khác, nhưng việc phục hồi doanh thu có vẻ sẽ bị trì hoãn cho đến năm tài chính 2022 (kết thúc vào tháng 3/2023), do nhu cầu cảm biến cho điện thoại thông minh cao cấp suy yếu.

Giữa lúc hãng điện tử Samsung Electronics của Hàn Quốc, vốn có thế mạnh về xử lý cảm biến cho điện thoại thông minh tầm trung, đang bắt kịp Sony trong lĩnh vực này, tập đoàn Nhật Bản mới chỉ đang tiến được nửa đường trong nỗ lực chiếm lại thị trường điện thoại thông minh.

Terushi Shimizu, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Sony Semiconductor Solutions, cho biết tập đoàn này không thể ghi nhận sự phục hồi doanh thu trong năm tài chính 2021 (kết thúc vào tháng 3/2022).

Sony Semiconductor Solutions, mảng kinh doanh bán dẫn của Tập đoàn Sony, dự kiến lợi nhuận hoạt động của họ sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp trong năm tài chính 2021, xuống 140 tỷ yen (1,26 tỷ USD).

Dự báo này phản ánh những thay đổi trong cấu trúc thị trường điện thoại thông minh do xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Huawei có 4% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu xét về lượng hàng xuất xưởng trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Ba năm nay. Với việc Chính phủ Mỹ cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Huawei, tập đoàn Trung Quốc này đã chứng kiến thị phần của mình sụt giảm khoảng 14 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Tận dụng thế bất lợi của Huawei, Samsung của Hàn Quốc, Apple của Mỹ và ba nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc là Xiaomi, Oppo và Vivo đã nhanh chóng mở rộng thị phần của họ.

Sony chiếm một nửa thị trường thế giới về cảm biến hình ảnh. Nhu cầu ngày càng tăng đối với máy ảnh độ nét cao trên điện thoại thông minh và xu hướng sử dụng hai máy ảnh trở lên trên điện thoại thông minh trong những năm gần đây, đã cho phép Sony mở rộng việc xuất khẩu mặt hàng này cho Apple và Huawei nhờ công nghệ sản xuất cảm biến tiên tiến.

Khi Huawei đang mất dần đà phát triển, nhu cầu về cảm biến cho điện thoại thông minh cao cấp cũng suy yếu. Do đó, Sony đã đẩy mạnh bán hàng cho ba nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc là Xiaomi, Oppo và Vivo, vốn chủ yếu sản xuất điện thoại trung cấp và thấp hơn.

Mặc dù cảm biến cho những chiếc điện thoại như vậy đều có giá thấp, nhưng các nhà sản xuất vẫn yêu cầu cải tiến chất lượng hình ảnh để thu hút người tiêu dùng.

Động thái trên cho thấy Sony đang hướng tới việc tận dụng "điều kiện bình thường mới" được tạo ra bởi tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhằm khôi phục lại vị thế đã mất của mình./.

Minh Trang (Theo Nikkei Asia Review)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hoat-dong-kinh-doanh-chat-ban-dan-cua-sony-cham-lai-sau-cu-nga-cua-huawei/198542.html