Hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn gây khó khăn cho doanh nghiệp

Đánh giá về mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018, các hiệp hội thủy sản, dệt may… cho rằng, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp.

 Bà Trần Hoàng Yến - đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Ảnh:N.H)

Bà Trần Hoàng Yến - đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Ảnh:N.H)

Hải quan địa phương vẫn còn gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp

Bà Trần Hoàng Yến, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thời gian qua, nhiều thủ tục hành chính, chế độ kiểm tra, kiểm soát hải quan thiếu đồng bộ, chồng chéo, rườm rà, phức tạp đã được xóa bỏ hoặc đơn giản hóa…

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành hải quan vẫn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật thuế - hải quan còn chậm so với tiến độ đề ra; công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu chưa thực sự cải cách mạnh mẽ, nhất là các hoạt động kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ, ngành khác còn là gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp.

“Chỉ khoảng 30% các thủ tục hành chính trong hoạt động kiểm tra thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu là thuộc phạm vi chức trách của cơ quan hải quan. 70% thủ tục còn lại là thuộc trách nhiệm quản lý và thực thi của các bộ và cơ quan quản lý chuyên ngành khác mà những thủ tục này vẫn còn nhiều bất cập, gây hạn chế cho chủ trương giảm thời gian thông quan…” – bà Yến thẳng thắn chỉ ra.

Cũng theo bà Yến, hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) vẫn chưa kết nối được với cơ chế Một cửa Asean - Một cửa Quốc gia. Việc thực thi của nhiều cán bộ hải quan, cơ quan hải quan tại địa phương nhiều khi vẫn còn gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp, tạo ra những rào cản không đáng có cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

“Trong ngành thủy sản, vấn đề phế liệu, phế phẩm, vật tư, nguyên liệu dư thừa không bao giờ được miễn thuế. Trong khi các ngành khác làm gia công thì sử dụng gần như hết nguyên liệu nhập về, trừ tỉ lệ rất nhỏ lỗi, hỏng. Nhưng riêng ngành thủy sản, nguyên liệu dư thừa bỏ đi rất nhiều (tới 20-25%) nên không bao giờ đáp ứng được chỉ tiêu 3% nguyên liệu vật tư dư thừa được miễn thuế. Điều này gây thiệt thòi lớn cho ngành thủy sản” – bà Yến nói.

Hoạt động chế biến thủy sản (Ảnh: Internet)

Bà Yến cũng nêu ra một bất cập nữa mà VASEP hiện đang gặp phải, đó là vấn đề nộp thuế. Cụ thể, từ giữa năm 2018 đến nay, một số loại thuế như thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt… thì doanh nghiệp phải nộp cho hải quan, còn thuế thu nhập doanh nghiệp lại phải nộp cho cơ quan thuế địa phương. Như vậy, doanh nghiệp thủy sản phải nộp một lúc cho hai cơ quan thuế, điều này đã làm gia tăng thêm thủ tục hành chính cho cả hai cơ quan thuế, gây phức tạp hơn cho công tác quản lý thuế. VASEP đã kiến nghị nên quy về một mối - về cơ quan thuế nội địa, để tiện lợi hơn, nhưng đến giờ vẫn chưa được Bộ Tài chính xem xét.

“Trong khi các ngành khác được hưởng quy định quản lý rủi ro, giảm kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu, nhưng với ngành thủy sản thì bị kiểm tra tất cả các lô hàng, dẫn đến việc nhập khẩu của doanh nghiệp kéo dài, làm giảm chất lượng và tăng chi phí. VASEP đã có rất nhiều văn bản phản ánh lên Bộ Tài chính nhưng chưa được giải quyết” – bà Yến nêu ra những bất cập.

Cần cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Tương tự ý kiến của đại diện VASEP, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, hầu hết các doanh nghiệp vẫn gặp rào cản trong quá trình thông quan do nhiều thủ tục và văn bản hành chính hướng dẫn của các bộ, ngành còn gây khó cho doanh nghiệp. Hệ thống một cửa quốc gia của ngành hải quan dù đã triển khai thực hiện song vẫn trục trặc, chưa có đầy đủ các ứng dụng làm thủ tục thông quan điện tử đầy đủ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện.

"Mặc dù thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai song tại nhiều cục hải quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải mang theo bản in hồ sơ”, ông Cẩm cho biết.

Theo đó, để khắc phục những hạn chế trên nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong thời gian tới, các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đề nghị cơ quan hải quan nói riêng, ngành tài chính nói chung cần tiếp tục có những cải cách về quy định thuế, hải quan, thúc đẩy cải cách các quy định thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành có liên quan để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Ngành hải quan cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ và giải quyết thủ tục hành chính hải quan, sớm hoàn tất việc đưa các thủ tục hành chính của tất cả các bộ, ngành lên hệ thống Một cửa Asean - Một cửa Quốc gia và thiết lập kết nối giữa Hệ thống một cửa Asean, một cửa Quốc gia với Hệ thống VNACCS/VCIS” – bà Yến cho biết…

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/hoat-dong-kiem-tra-chuyen-nganh-con-gay-kho-khan-cho-doanh-nghiep-154664.html