Hoạt động KH&CN ở cơ sở: Những chuyển biến tích cực

Thời gian gần đây, các chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư cho hoạt động KH&CN, đặc biệt là nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp KH&CN được nhiều địa phương bố trí với tỷ lệ khá cao. Nhờ đó, tạo được nhiều dấu ấn trong hoạt động KH&CN ở cơ sở, từng bước thúc đẩy nhanh phát triển KT-XH địa phương.

TP Hạ Long dành nhiều nguồn lực để triển khai Dự án thành phố thông minh - Trong ảnh: Hệ thống chiếu sáng thông minh trên các tuyến phố của Hạ Long.

TP Hạ Long dành nhiều nguồn lực để triển khai Dự án thành phố thông minh - Trong ảnh: Hệ thống chiếu sáng thông minh trên các tuyến phố của Hạ Long.

Theo Sở KH&CN tỉnh, tính đến nay, các địa phương đã dành gần 650 tỷ đồng ngân sách cho hoạt động KH&CN. Nguồn kinh phí này được lồng ghép có hiệu quả từ nhiều nguồn lực khác nhau như: Kinh phí xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh, xây dựng nông thôn mới, khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề…

Nổi bật là TP Hạ Long. Riêng năm 2019, địa phương này đã bố trí trên 431 tỷ đồng để thực hiện các hợp phần của Đề án xây dựng thành phố thông minh. Qua đó, bước đầu đã tạo dựng, thiết lập nên những tiện ích cơ bản của đô thị thông minh, hiện đại, như: Hệ thống chiếu sáng thông minh, quản lý du lịch thông minh, thu thuế thông minh… tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Hay như TP Móng Cái năm 2020 này cũng đã dành trên 60 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm thành phố thông minh. Đến nay, thành phố đã triển khai, vận hành thử nghiệm 22 tính năng, hợp phần của thành phố thông minh. Trong đó có 10 tính năng dành cho công chức và 12 tính năng, hợp phần dành cho công dân.

Trung tâm điều hành Thành phố thông minh của TP Móng Cái.

Nhiều địa phương cũng đã chủ động có cách làm hay, sáng tạo trong việc bố trí nguồn kinh phí, chủ động kết nối làm việc với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu trong nước để tìm kiếm công nghệ tiên tiến, phù hợp với thực tiễn địa phương để chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến huyện Tiên Yên đã cùng với doanh nghiệp làm việc với các đơn vị nghiên cứu như Viện Hóa học, Viện Cơ điện công nghiệp và công nghệ bảo quản sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp, Viện Dược liệu… để tìm kiếm công nghệ mới ứng dụng phát triển ngành nông nghiệp của địa phương.

Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn Trung ương, của tỉnh, một số địa phương đã kết hợp nhiều biện pháp triển khai huy động các nguồn vốn của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ thực hiện các mô hình, dự án chuyển giao KH&CN.

Như huyện Ba Chẽ đã huy động được nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng hoàn thiện cụm công nghiệp Nam Sơn, các cơ sở chế biến lâm sản, dược liệu có ứng dụng công nghệ… Huyện Đầm Hà khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới bằng nguồn vốn ngoài ngân sách để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp.

Sản xuất gạch ngói theo công nghệ tự động tại Công ty CP Thanh Tuyền.

Từ sự đầu tư này, các tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp đã có thêm nguồn lực để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng những mô hình tiên tiến, tiến bộ KHKT hiện đại, phù hợp vào sản xuất hàng hóa, từ đó, thúc đẩy KT-XH trên địa bàn.

Đơn cử như Tập đoàn Hoàng Hà, dưới sự tư vấn, hỗ trợ và tạo điều kiện về cơ chế, chính sách của các cấp chính quyền TX Đông Triều đã triển khai áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất gạch tuynel; qua đó, giải phóng đến 95% sức lao động, tăng năng suất từ 75 triệu viên lên 90 triệu viên/năm… Hay như Công ty CP Thiết bị điện Cẩm Phả được tiếp cận quỹ hỗ trợ KH&CN để đầu tư ứng dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất thiết bị điện; một số hộ dân nuôi tôm tại TX Quảng Yên, huyện Tiên Yên được phổ biến, hỗ trợ đầu tư mô hình nuôi tôm trong nhà kính, nuôi tôm nhiều giai đoạn trên ao nổi… đã mang lại năng suất, thu nhập cao.

Với sự quan tâm của chính quyền các cấp, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã mạnh dạn áp dụng KHKT vào sản xuất làm tăng giá trị nông sản - Trong ảnh: Chế biến trà hoa vàng tại cơ sở sản xuất trà hoa vàng của anh Nịnh Văn Trắng, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ.

Để thúc đẩy hoạt động sáng tạo, phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật trên địa bàn, chính quyền cấp huyện cũng ưu tiên dành nguồn lực và thực hiện vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia hỗ trợ, tài trợ. Từ đó, từng bước khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu KHKT, thi đua cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất. Nhiều địa phương được đánh giá là dẫn đầu, tiên phong về phong trào học sinh nghiên cứu khoa học như Đông Triều, Quảng Yên, Cẩm Phả.

Nguyên Ngọc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202011/hoat-dong-khampcn-o-co-so-nhung-chuyen-bien-tich-cuc-2509555/