Hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều đổi mới

Tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác giám sát năm 2023 của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều đổi mới, đang phát huy hiệu lực, hiệu quả cao.

Chất vấn chọn đúng vấn đề cử tri quan tâm

Trình bày báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và triển khai Chương trình giám sát năm 2023, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, trong năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế về giám sát.

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Trong hoạt động chất vấn, Quốc hội đã tổ chức chất vấn tại Kỳ họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn tại Phiên họp thứ 9 và Phiên họp thứ 14. Qua hoạt động chất vấn cho thấy, việc lựa chọn, quyết định nội dung chất vấn đã bám sát thực tiễn, “đúng”, “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, đều là những nội dung vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Đặc biệt, với tinh thần đổi mới, chú trọng hoạt động giám sát lại, nhiều vấn đề đã được giám sát, thể hiện tại nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề, nghị quyết chất vấn được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm lựa chọn, tiếp tục đưa ra chất vấn như: Công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.

Kết thúc các phiên chất vấn, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn, trong đó đặt ra yêu cầu, giải pháp cụ thể và thời hạn hoàn thành để các cơ quan, tổ chức thực hiện; đây cũng là một trong những đổi mới quan trọng, giúp cho việc giám sát thực hiện lời hứa sau chất vấn được kịp thời, khả thi và có căn cứ.

Đặc biệt, tại Phiên họp thứ 9, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về chất vấn để nâng cao hiệu lực thi hành và làm cơ sở giám sát việc thực hiện. Ngay sau đó, Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành đã triển khai nhiều biện pháp, có nhiều chỉ đạo cụ thể để thực hiện nghị quyết chất vấn cũng như các vấn đề đã hứa tại phiên chất vấn. Kết quả các phiên chất vấn cho thấy tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đối với cử tri và nhân dân; đồng thời, giúp các đại biểu Quốc hội đánh giá được năng lực thực thi nhiệm vụ của người trả lời chất vấn.

Huy động lực lượng tham gia hoạt động giám sát chuyên đề

Trong hoạt động giám sát chuyên đề, năm 2022, Quốc hội chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề. Việc triển khai hoạt động của các đoàn giám sát chuyên đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và có nhiều đổi mới nổi bật.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo.

Cụ thể là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các đoàn giám sát chuyên đề; xác định cụ thể hơn đối tượng, nội dung giám sát tại kế hoạch chi tiết theo ủy quyền của Quốc hội. Giao đoàn đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân tổ chức giám sát và gửi báo cáo kết quả đến đoàn giám sát.

Căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, Đoàn giám sát sẽ lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ quan, địa phương, cơ sở; đặc biệt là sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Một điểm mới khác là đã huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí thời gian nghe báo cáo kết quả bước đầu, vì vậy đã kịp thời chỉ đạo trong quá trình giám sát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các Đoàn giám sát.

Kết quả giám sát các chuyên đề là minh chứng cho những đổi mới, cải tiến trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; góp phần tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động thực tiễn về 4 nội dung của chuyên đề giám sát, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước, cũng như mong muốn của các vị đại biểu Quốc hội khi “bấm nút” lựa chọn các chuyên đề này để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong năm 2022.

Cùng với đó, tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội đã dành nhiều thời gian xem xét, thảo luận kỹ lưỡng các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm chỉ đạo; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã chú trọng thực hiện, đưa vào Chương trình giám sát hàng năm của cơ quan mình nhiệm vụ giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ xem xét, thảo luận báo cáo về công tác dân nguyện tại phiên họp hằng tháng, đây là một đổi mới quan trọng đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao; quan tâm giám sát, hướng dẫn hoạt động của hội đồng nhân dân; chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung, thời gian giám sát…

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/hoat-dong-giam-sat-cua-quoc-hoi-co-nhieu-doi-moi-706481