Hoạt động đối thoại đi vào chiều sâu, thực chất

Sáng 14/11, Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm phối hợp với Liên đoàn Lao động quận tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận với hơn 150 công nhân, viên chức, lao động và đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quận. Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, bằng sự tâm huyết, tinh thần dân chủ, xây dựng và trách nhiệm cao, các vấn đề phản ánh đã được lãnh đạo, cơ quan ban ngành lắng nghe, tiếp thu nghiêm túc, làm rõ và trả lời cụ thể, xác đáng ngay tại Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị đối thoại.

Toàn cảnh Hội nghị đối thoại.

47 ý kiến với 57 vấn đề được trao đổi

Buổi tiếp xúc đối thoại đã tiếp nhận 47 ý kiến với 57 vấn đề được phát biểu, đề xuất, trao đổi thẳn thắng của công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên công đoàn, các đơn vị, doanh nghiệp. Các ý kiến, kiến nghị tập trung vào những vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, thuế, hoạt động của doanh nghiệp, hoạt động công đoàn...

Đây đều là những vấn đề nổi cộm được công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn và đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, mong mỏi được làm rõ. Những ý kiến mà đại biểu phản ánh đã được tổng hợp theo nhóm các vấn đề, được Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam và Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Lê Thị Kim Điệp và các phòng, ban ngành trả lời cụ thể, xác đáng ngay tại buổi đối thoại.

Đại diện Công ty TNHH Japan Airlines kiến nghị đưa công việc của nhân viên hàng hóa ngành Hàng không vào danh mục các công việc độc hại để được hưởng phụ cấp độc hại vì hàng ngày họ phải thực hiện vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa lên, xuống máy bay, trực tiếp chịu ảnh hưởng khói bụi, tiếng ồn, từ trường, nhiệt độ thay đổi…

Đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận cho biết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành danh mục nghề nặng nhọc độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, đặc biệt nguy hiểm. Ngoài ra, hàng năm Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có văn bản gửi các ngành, địa phương đề nghị rà soát, bổ sung danh mục nghề nặng nhọc độc hại. Sau khi triển khai, rà soát, Ủy ban nhân dân quận sẽ tổng hợp gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề bảo hiểm y tế, đại diện Công đoàn Khách sạn JW Marriott Hanoi thắc mắc, Công ty đã đăng ký đóng bảo hiểm y tế cho người lao động nước ngoài, vậy người lao động nước ngoài có được chọn bệnh viện quốc tế để khám chữa bệnh không hay chỉ có các bệnh viện nằm trong danh sách bảo hiểm mới được chọn? Mức được hưởng là 80% chi phí khám chữa bệnh có đúng không?

Đại diện Bảo hiểm xã hội quận cho biết, theo quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT thì người tham gia bảo hiểm y tế được quyền đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện và tương đương (có kí hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm xã hội) phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở. Mức hưởng của đối tượng người lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế là 80%.

Liên quan đến công tác công đoàn, nhiều câu hỏi của công nhân, viên chức, lao động và doanh nghiệp đã được đồng chí Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp trả lời cụ thể, xác đáng. Đại diện Công đoàn Công ty TNHH Xây dựng ZYF Vietnam nêu câu hỏi, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở được Liên đoàn Lao động quận chỉ định đã hết thời gian hoạt động lâm thời mà không tổ chức được đại hội thì giải quyết thế nào?

Trả lời câu hỏi, bà Lê Thị Kim Điệp cho biết, thời gian hoạt động của Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn không quá 12 tháng. Trường hợp quá 12 tháng chưa tổ chức được đại hội thì công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định bằng văn bản cho phép kéo dài thời gian hoạt động của Ban Chấp hành lâm thời nhưng không quá 6 tháng; hoặc chấm dứt hoạt động của Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn cũ và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn mới…

Đã có những chỉ đạo hiệu quả

Có thể khẳng định, đối thoại là cầu nối quan trọng để lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nắm bắt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn quận về việc làm, đời sống vật chất, tinh thần, tổ chức hoạt động công đoàn; cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quận.

Ý kiến trao đổi tại buổi đối thoại.

Qua đó, tiếp nhận, chỉ đạo giải quyết kịp thời những đề xuất có tính khả thi cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp ổn định hoạt động, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện làm việc, đời sống và các phúc lợi xã hội cần thiết của công nhân, viên chức, lao động quận; góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Minh chứng là tại Hội nghị đối thoại năm 2018 nhiều vấn đề đã được tiếp thu ý kiến và đã có những chỉ đạo hiệu quả. Cụ thể, nhiều ý kiến của các cán bộ, giáo viên, nhân viên đã làm hợp đồng nhiều năm, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc đang công tác tại cơ quan, đơn vị công lập trên địa bàn quận chưa được tuyển dụng vào biên chế. Nội dung này đã được giải quyết trong thời gian từ khi kết thúc Hội nghị đối thoại năm 2018 đến nay.

Với những ý kiến về việc tuyển dụng công chức cấp phường năm 2018, vừa qua, Ủy ban nhân dân quận đã tổ chức tuyển dụng công chức cấp phường theo quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố và hướng dẫn của Sở Nội vụ Hà Nội. Kỳ thi tuyển dụng đã hoàn tất, tổng số công chức phường đã tuyển dụng được 43 người, trong đó 33 công chức qua thi tuyển, 10 công chức nguồn Thành phố phân công về.

Đối với nội dung tuyển dụng viên chức giáo dục, Ủy ban nhân dân quận đã triển khai tổ chức thi vòng 1 và phòng Nội vụ đang tiếp tục tham mưu cho Hội đồng thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019 công tác chuẩn bị cho vòng 2 với tổng số 782 thí sinh.

Đối với trường hợp công nhân, viên chức, lao động ngoại tỉnh, không có hộ khẩu tại quận, đang làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quận, có con trong độ tuổi học phổ thông, mong muốn được học tại các trường công lập của quận, quận đã và đang triển khai các kế hoạch, tạo điều kiện cho các trường hợp đặc biệt vào học tại các trường công lập tại quận. Hay nhiều công nhân, viên chức, lao động mong muốn có Trung tâm văn hóa thể thao của quận để là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân quân đang báo cáo Thành phố về chủ trương giải phóng mặt bằng liên quan đến dự án 49,1 ha, trong đó có khuôn viên Trung tâm văn hóa thể thao của quận. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thành phố, quận sẽ khẩn trương thực hiện sớm việc xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao của quận…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Ngô Văn Tuyến – Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nội ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban nhân dân quận với Liên đoàn Lao động quận trong việc tổ chức cuộc đối thoại.

Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, bằng sự tâm huyết, tinh thần dân chủ, xây dựng và trách nhiệm cao, lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận cũng như Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm đã lắng nghe, tiếp thu nghiêm túc, làm rõ và trả lời cụ thể, xác đáng các ý kiến đóng góp, phản ánh tại buổi đối thoại. Sự chuẩn bị chu đáo đã giúp buổi đối thoại diễn ra trong không khí cởi mở, dân chủ, làm hài lòng các đại biểu tham dự.

Cuộc đối thoại có trọng tâm, trọng điểm đã giúp hội nghị đi vào chiều sâu thực chất. Việc tổ chức đối thoại về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, sản xuất kinh doanh và thực hiện chế độ chính sách với cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, lao động là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn quận, cần phải được duy trì và phát huy hơn nữa, góp phần xây dựng quận Nam Từ Liêm và Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển vững mạnh.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hoat-dong-doi-thoai-di-vao-chieu-sau-thuc-chat-99595.html