Hoạt động đòi nợ thuê 'lách luật' để tồn tại

Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 có nhiều điểm mới, trong đó có cấm ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đây là quy định tích cực góp phần ngăn chặn các hoạt động đòi nợ thuê có tính chất đe dọa, khủng bố tinh thần người khác. Tuy nhiên, những đối tượng đòi nợ thuê đang 'núp bóng' các hoạt động hợp pháp khác để hoạt động...

Việc “đòi nợ thuê” có thể núp bóng dưới hình thức mua, bán nợ hoặc nhận ủy quyền thu hồi nợ. Trong ảnh: Một tin nhắn đòi nợ của một kênh cho vay nợ trực tuyến. Ảnh: Đông Hồ

Việc “đòi nợ thuê” có thể núp bóng dưới hình thức mua, bán nợ hoặc nhận ủy quyền thu hồi nợ. Trong ảnh: Một tin nhắn đòi nợ của một kênh cho vay nợ trực tuyến. Ảnh: Đông Hồ

* Nhiều chiêu “lách luật”

Hiện nay, hoạt động cho vay nợ và vay nợ ngoài xã hội rất phổ biến, nhất là dịch vụ vay mượn tiền trực tuyến ngày càng nở rộ. Từ đó, khoảng cách không gian giữa người cho vay và người vay ngày càng rộng, có thể cách xa nhau hàng trăm cây số hoặc ở các địa phương cách xa nhau. Vì vậy, nhu cầu thu hồi nợ rất lớn do bên cho vay không đủ thời gian và công sức đến tận nơi để đòi (vì người vay trả không đúng hạn để kéo dài); các khoản vay đều không có thế chấp nên rất khó khởi kiện ra tòa.

Anh N.K.L. (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Tôi có vay tiền trên một kênh cho vay trực tuyến. Nhiều khoản vay chưa đến kỳ thanh toán mà tôi đã bị các tổng đài liên tục gọi điện thoại, nhắn tin đòi trả tiền sớm với thái độ hằn học. Nếu trả nợ quá hạn, bên cho vay sẽ tính lãi suất cao hơn. Thực tế đã có một số người do không đồng tình với cách tính lãi suất quá hạn của bên cho vay đã bị một số người giấu mặt tạt mắm tôm, gửi tin nhắn đe dọa, khủng bố”.

Hiện nay, để tránh quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ của Luật Đầu tư năm 2020, nhiều tổ chức, cá nhân chuyên cho vay “nóng” đã tìm cách “lách luật” bằng các hình thức đơn giản như: chủ nợ bán khoản nợ sang cho một cá nhân, tổ chức khác hoặc chủ nợ ủy quyền cho một cá nhân thu hồi nợ giúp họ.

“Cao tay” hơn, các tổ chức trước đây kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thể chuyển sang kinh doanh dịch vụ cung cấp nhân công thời vụ. Khi đó, chủ nợ có thể thuê nhân công này làm nhiệm vụ đòi lại khoản nợ cho họ một cách hợp pháp. Chính vì chỉ dừng ở những giao dịch dân sự, thỏa thuận giữa hai bên mà không chính thức “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” nên các hoạt động “đòi nợ thuê” vẫn có thể diễn ra công khai.

Một số người từng làm việc trong các công ty dịch vụ đòi nợ ở TP.Biên Hòa cho rằng, cách làm này là một hình thức “bình mới rượu cũ” và người bị đòi nợ vẫn có thể bị đe dọa, khủng bố tinh thần như trước đây. Việc cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” gần như không ảnh hưởng gì đến những người đang hoạt động dịch vụ này.

* Cần quản lý chặt chẽ hơn

Luật sư Lê Quang Y, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh phân tích: “Mua, bán nợ là một hình thức kinh doanh không bị cấm. Việc mua, bán nợ cá nhân chỉ bị điều chỉnh bởi Điều 450, Bộ luật Dân sự năm 2015. Còn ủy quyền cho người khác đi thu hồi nợ lại chưa có quy định nào ràng buộc miễn là được thực hiện đúng Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi đó, việc cá nhân, tổ chức mua lại phần nợ hoặc được ủy quyền thu hồi nợ có trách nhiệm đi đòi lại số nợ mà họ đã mua hoặc được ủy quyền thu hồi. Như vậy, các hành động trên dù không phải “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” nhưng thực chất vẫn là thay mặt chủ nợ đi thu hồi lại khoản nợ”.

Theo khuyến cáo của một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh, với các khoản nợ khó đòi, thay vì ủy quyền đòi nợ hoặc bán nợ... thì chủ nợ có quyền tự thương lượng, hòa giải để giải quyết hoặc khởi kiện ra tòa. Nếu có dấu hiệu phạm tội hình sự thì trình báo cơ quan điều tra, đối với khoản nợ của doanh nghiệp thì có thể đệ đơn yêu cầu phá sản doanh nghiệp. Cách làm như vậy có thể tốn thời gian, nhưng đó vẫn là cách làm đúng trong việc đòi nợ, không “dính líu” đến các đối tượng đòi nợ kiểu “xã hội đen”; tránh việc liên đới trách nhiệm khi các đối tượng đòi nợ vi phạm pháp luật khi đòi nợ như: cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật...

Luật sư Trần Thanh Hải, Công ty Luật TNHH MTV Hải Trung (TP.HCM) cho rằng, không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà cần hạn chế theo quy định pháp luật; phải có chế tài, quy định chặt chẽ, cụ thể cho hoạt động kinh doanh này. Nhất là với các hành vi gây mất an ninh trật tự, gây nguy hiểm đến “con nợ”... của người thực hiện việc đòi nợ cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Cần xác định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là hoạt động bình thường của xã hội, nên cần được quản lý chặt chẽ hơn để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.

Đông Hồ

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202011/hoat-dong-doi-no-thue-lach-luat-de-ton-tai-3032390/