Hoạt động đối ngoại

Ngày 12-10, trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị cấp cao (HNCC) lần thứ 17 của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) diễn ra tại thủ đô Ê-rê-van, Ác-mê-ni-a, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu tại Phiên toàn thể.

Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ chủ đề của hội nghị là "Cùng chung sống trong đoàn kết, cùng chia sẻ các giá trị nhân văn và tôn trọng đa dạng: Cội nguồn của hòa bình và thịnh vượng trong không gian Pháp ngữ". Phó Thủ tướng đề nghị cộng đồng Pháp ngữ thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu và có cách tiếp cận tổng thể trên tất cả các vấn đề nhằm tìm ra các biện pháp giải quyết hiệu quả nguồn gốc sâu xa của khủng hoảng và bất ổn, tiếp tục củng cố các cơ chế hiện có về phòng ngừa xung đột và giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam mong muốn Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục có tiếng nói khách quan và ủng hộ các nỗ lực bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Ðông, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không quân sự hóa, thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) nhằm đưa Biển Ðông thành khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, các nước liên quan cùng chung sống và phát triển.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã quyết định ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam đã được nhóm châu Á tại Liên hợp quốc nhất trí đề cử là ứng cử viên duy nhất của nhóm và Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên Pháp ngữ.

Cùng ngày, bên lề HNCC 17 của OIF, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Pháp E.Ma-crông. Hai bên nhất trí sẽ tăng cường trao đổi đoàn cấp cao nhằm thúc đẩy tin cậy chính trị trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược và tiếp tục phối hợp hiệu quả trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và khối Pháp ngữ.

Hội kiến Tổng thống Ác-mê-ni-a A.Xa-kít-xi-an, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cảm ơn Ác-mê-ni-a đã dành sự đón tiếp trọng thị và thân tình cho Ðoàn Việt Nam. Tổng thống Ác-mê-ni-a chia sẻ tình cảm đặc biệt đối với đất nước và con người Việt Nam; chúc mừng Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Hai bên khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ về chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học, trao đổi văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Ác-mê-ni-a N.Pa-si-ni-an, hai bên cho rằng Việt Nam và Ác-mê-ni-a có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, trên nền tảng đó cần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại tương xứng quan hệ chính trị. Thủ tướng N.Pa-si-ni-an bày tỏ mong muốn tiếp nhận sinh viên Việt Nam sang học tập tại Ác-mê-ni-a.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ma-đa-ga-xca E.Ðô-vô, hai bên khẳng định quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Ma-đa-ga-xca được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối yêu nước của Ma-đa-ga-xca xây dựng, được nhiều thế hệ nhân dân hai nước vun đắp, ngày càng được củng cố và phát triển. Phó Thủ tướng đề nghị Ma-đa-ga-xca tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Ma-đa-ga-xca.

Trao đổi ý kiến với Bộ trưởng Ngoại giao CH Ghi-nê M.Tua-rơ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cảm ơn Ghi-nê đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Hai bên cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương và tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương.

Trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ca-mơ-run M.Mbê-la, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa hai nước cả trên bình diện song phương và đa phương. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Chính phủ Ca-mơ-run tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam như Viettel đầu tư và kinh doanh tại Ca-mơ-run.

Trước đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Ma-li C.Ca-mít-xa. Phó Thủ tướng đề nghị Ma-li tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Ma-li, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà Việt Nam đã đầu tư thành công ở một số nước châu Phi như viễn thông, nông nghiệp.

Trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao An-đô-ra M.Phông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng M.Phông đã trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Bộ trưởng M.Phông cho biết sẵn sàng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về phát triển du lịch và dịch vụ - thế mạnh kinh tế chủ chốt của An-đô-ra.

Trao đổi ý kiến với Bộ trưởng Du lịch Li-băng A.Ghi-đa-ni-a, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá quan hệ hai nước trong những năm qua phát triển tốt đẹp và đề nghị Li-băng tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận lao động Việt Nam như các nước Trung Ðông khác.

Tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Ha-i-ti B.Ét-mon, hai bên bày tỏ hài lòng trước sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư; nhất trí cần tạo khuôn khổ pháp lý và môi trường thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, trong đó xem xét ký hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

Tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) A.A-du-lay, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của UNESCO đối với Việt Nam những năm qua và bày tỏ mong muốn bà Tổng Giám đốc trên cương vị của mình tiếp tục ủng hộ Việt Nam.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37903402-hoat-dong-doi-ngoai.html