Hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ngày 30-7, đồng chí TRƯƠNG HÒA BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 138/CP đã dự lễ mít-tinh hưởng ứng 'Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30-7' năm 2020 tại TP Vinh (Nghệ An). Cùng dự, có các đồng chí: Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, tỉnh Nghệ An và các tổ chức quốc tế.

Ngày 30-7, đồng chí TRƯƠNG HÒA BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 138/CP đã dự lễ mít-tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30-7” năm 2020 tại TP Vinh (Nghệ An). Cùng dự, có các đồng chí: Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, tỉnh Nghệ An và các tổ chức quốc tế.

Phát biểu ý kiến tại lễ mít-tinh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng và diễn biến, phức tạp của tội phạm mua bán người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến quyền con người; tác động tiêu cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội...; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành T.Ư, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em cần được trang bị kỹ năng phòng vệ trước các thủ đoạn tinh vi của tội phạm; tích cực tố giác tội phạm. Tiếp tục phát động phong trào toàn dân phòng, chống mua bán người; chủ động phát hiện, ngăn chặn các hoạt động liên quan tội phạm mua bán người, nhất là ở địa bàn biên giới. Phối hợp chặt chẽ các nước, các tổ chức quốc tế để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra các đường dây mua bán người, giải cứu kịp thời các nạn nhân…

Đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo toàn diện đời sống nhân dân, tạo công ăn việc làm ổn định, giảm nghèo bền vững. Trong đó, cần chú trọng hỗ trợ các gia đình khó khăn có nguy cơ là nạn nhân của tội phạm mua bán người, thông qua đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ, hỗ trợ khởi nghiệp, cùng các giải pháp để các nạn nhân trở về sớm hòa nhập cộng đồng. Trước đó, chiều 29-7, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác đã thăm, tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn thành phố Vinh.

Ngày 30-7, đồng chí NGUYỄN VĂN BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình về nội dung dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao tinh thần nghiêm túc trong công tác xây dựng văn kiện đại hội của tỉnh Hòa Bình. Báo cáo chính trị trình Đại hội bài bản, theo đúng hướng dẫn Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Qua nội dung văn kiện cho thấy rõ hơn bốn năm qua, tỉnh đạt nhiều kết quả về kinh tế - xã hội. Quy mô nền kinh tăng 1,65 lần; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực chuyển dần sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ... Trong xây dựng nông thôn mới, Hòa Bình là một trong ba tỉnh đạt kết quả cao nhất so với các tỉnh miền núi phía bắc, đứng đầu các tỉnh Tây Bắc. Tỉnh có ba huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng chí lưu ý, để nâng cao chất lượng dự thảo văn kiện đại hội, Tỉnh ủy cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để biến khó khăn thành lợi thế. Là tỉnh có độ che phủ rừng hơn 51%, có thể xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp chế biến gỗ kết hợp giữ tốt hệ sinh thái, tạo cơ sở đẩy mạnh phát triển du lịch…

Ngày 30-7, Phó Thủ tướng TRỊNH ĐÌNH DŨNG có buổi làm việc chuyên đề nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đối với các dự án của ngành giao thông vận tải (GTVT).

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Bộ GTVT phải tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục những bất cập hiện nay của các dự án BOT, quan trọng là phải công khai, minh bạch để tạo lòng tin với nhân dân, với nhà đầu tư thì mới huy động được vốn xã hội hóa. Không có nguồn vốn xã hội, sẽ không thể thực hiện được các mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Phó Thủ tướng cho rằng, hạn chế lớn nhất là công tác quy hoạch, kế hoạch hóa đầu tư của ngành giao thông còn rất chậm, thiếu bài bản, thiếu khoa học, thiếu tầm nhìn, không đạt được mục tiêu dẫn dắt, định hướng.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, Bộ GTVT phải tập trung giải ngân 100% vốn đầu tư công. Tuyệt đối không để tình trạng có tiền mà không tiêu được. Bởi đầu tư là nhân tố của tăng trưởng, chúng ta đầu tư giai đoạn này sẽ tạo ra môi trường để tăng trưởng thứ cấp trong giai đoạn tới. Với cao tốc bắc - nam tuyến phía đông, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị, lựa chọn nhà thầu để ngay trong tháng 9 tới khởi công ba dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Với năm dự án thành phần theo hình thức đối tác công - tư (PPP), Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT tiến hành các quy trình thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu… để có thể khởi công trong năm nay…

Chiều 30-7, tại Nhà Quốc hội (QH), diễn ra hội nghị trực tuyến “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững”, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH PHÙNG QUỐC HIỂN. Tham dự hội nghị, có Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới M.Chun-gông; đại diện Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH và Văn phòng QH; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các nghị viện thành viên Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA).

Hội nghị là sáng kiến của chủ nhà Việt Nam trên cương vị Chủ tịch AIPA 2020 với mong muốn các nghị viện thành viên và đối tác cùng thảo luận về cơ chế hợp tác của AIPA trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa nhằm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc; góp phần duy trì bản sắc văn hóa ASEAN, xây dựng Cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng và phát triển bền vững. Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong hợp tác giáo dục, văn hóa gắn với nâng cao vai trò của các nghị viện trong xây dựng cơ chế pháp lý chung nhằm công nhận chất lượng giáo dục, liên thông trình độ giữa các quốc gia trong khu vực; cơ chế hợp tác phát triển giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến trong bối cảnh ứng phó đại dịch Covid-19; xây dựng hành lang pháp lý, nâng cao ý thức về du lịch có trách nhiệm; bảo tồn và kết nối di sản văn hóa trong khu vực ASEAN để phát triển du lịch bền vững; huy động, phát huy nguồn lực bảo tồn di sản, bảo vệ bản sắc văn hóa.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc-610772/