Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ngày 22-7, đồng chí TRƯƠNG THỊ MAI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo T.Ư tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.

Ngày 22-7, đồng chí TRƯƠNG THỊ MAI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo T.Ư tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai biểu dương và đánh giá cao công tác dân vận ở Đà Nẵng. Những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận được Thành ủy Đà Nẵng thực hiện đạt hiệu quả cao. TP Đà Nẵng có nhiều nỗ lực, quan tâm sâu sắc, xây dựng quy chế về công tác dân vận và triển khai đến tận cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với công tác dân vận. Đà Nẵng có nhiều đổi mới, lồng ghép công tác dân vận trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, coi công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, kinh tế xã hội địa phương ngày một phát triển, quốc phòng - an ninh bảo đảm, đời sống người dân nâng cao, góp phần củng cố niềm tin và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, địa phương…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phải tiếp tục nhận thức sâu hơn, cao hơn về công tác dân vận. Người dân phải được tham gia đóng góp ý kiến và phải được các cấp chính quyền lắng nghe nhiều hơn khi xây dựng chủ trương, chính sách. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương, đi đầu trong công tác dân vận. Trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố phải quan tâm giải quyết tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân để củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, từ đó phát huy sức mạnh của nhân dân trong triển khai nhiệm vụ.

Trước đó, đồng chí có buổi làm việc với Quận ủy Liên Chiểu về kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW; thăm, tặng quà hai gia đình chính sách tiêu biểu ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu là Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Nghệ (93 tuổi) và nữ thương binh 1/4 Phan Thị Thông (69 tuổi).

* Ngày 22-7, đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự hội nghị Công bố chương trình chuyển đổi số và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP Hồ Chí Minh.

Chương trình chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, thành phố trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt hơn 50%; ít nhất 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng ít nhất 7%. Đến năm 2030, thành phố có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, việc công bố Chương trình chuyển đổi số phản ánh thành phố chọn con đường phát triển nhanh hơn dựa trên trí tuệ con người, phát huy sức mạnh của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo. Thành phố tin vào lực lượng chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông, các trường đại học, viện nghiên cứu. Đại hội Đảng bộ thành phố sắp tới có chương trình đột phá về nhân lực và văn hóa, trong đó nhánh đào tạo nhân lực tám lĩnh vực đạt trình độ quốc tế có công nghệ thông tin - truyền thông và trí tuệ nhân tạo; xác định sản phẩm công nghệ thông tin là nhóm sản phẩm chủ lực.

Đồng chí đề nghị, chính quyền thành phố nghiên cứu hình thành trung tâm giới thiệu sản phẩm tư vấn, triển khai dịch vụ số hóa và phát triển các sản phẩm thông minh. Doanh nghiệp có thể mang sản phẩm đến trình diễn theo chủ đề từng lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, môi trường… Ngoài ra, thành phố cần có đánh giá về chi phí cho công nghệ thông tin và tính hiệu quả thời gian qua; đồng thời hướng tới mục tiêu tăng chi ngân sách cho lĩnh vực này.

* Ngày 22-7, đồng chí PHÙNG QUỐC HIỂN, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Điện Biên về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập gắn với bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Điện Biên về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập gắn với bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đồng chí Phùng Quốc Hiển đề nghị Điện Biên cần quy hoạch tổng thể về thủy lợi và an ninh nguồn nước, phục vụ sản xuất, sinh hoạt và an toàn hồ, đập trên địa bàn, đồng thời phân kỳ đầu tư phù hợp bảo đảm công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng để sinh thủy và giữ nước tại chỗ; tiến tới liên thông thủy lợi giữa các vùng, miền trên toàn tỉnh để chủ động tưới tiêu, điều hòa. Đồng thời, triển khai sửa chữa, nâng cấp ngay các hồ, đập đã hư hỏng, xuống cấp nhằm bảo đảm an toàn, nhất là mùa mưa lũ.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc-609677/