Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Sáng 4-7, Ðoàn công tác của Chính phủ do đồng chí TRƯƠNG HÒA BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC), Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo Quốc gia 389) dẫn đầu làm việc với TP Hải Phòng và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BÐBP) về kết quả triển khai công tác CCHC giai đoạn 2011 - 2020 và công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Sáng 4-7, Ðoàn công tác của Chính phủ do đồng chí TRƯƠNG HÒA BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC), Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo Quốc gia 389) dẫn đầu làm việc với TP Hải Phòng và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BÐBP) về kết quả triển khai công tác CCHC giai đoạn 2011 - 2020 và công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của TP Hải Phòng, Bộ Tư lệnh BÐBP và Bộ Chỉ huy BÐBP Hải Phòng đã tích cực triển khai kịp thời, đầy đủ nội dung công tác CCHC và công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, công tác CCHC của Hải Phòng từ năm 2011 đến nay đã có chuyển biến rõ rệt. Những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội; tiến bộ trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp... trong những năm qua đã thể hiện rõ hiệu quả của công tác CCHC của thành phố...

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng nêu rõ, phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo thực hiện quyết liệt và sâu sát, đặc biệt là không có vùng cấm... Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cùng với đó, thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại một số vị trí, ngành nghề theo quy định của pháp luật...

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Ðoàn công tác đã đi kiểm tra trực tiếp tại Ðồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hải Phòng và bộ phận một cửa của UBND quận Ngô Quyền.

Sáng 4-7, đồng chí TÒNG THỊ PHÓNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội (QH) dự lễ khánh thành Trạm y tế xã Xuân Nha (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La).

Dự án Trạm y tế xã Xuân Nha được khởi công vào ngày 15-12-2019 với quy mô đầu tư nhà hai tầng, sáu phòng khám, chữa bệnh và các hạng mục phụ trợ. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 3,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Sơn La và đóng góp của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Sau sáu tháng triển khai, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng biểu dương sự cố gắng của chính quyền địa phương và đơn vị thi công khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để sớm bàn giao công trình đúng tiến độ. Ðồng chí nhấn mạnh: Huyện Vân Hồ nằm trong số các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Chính vì vậy, những công trình an sinh xã hội thiết thực như nhà văn hóa, trạm y tế được xây dựng thông qua chương trình xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm sẽ góp phần thay đổi diện mạo của địa phương. Ðồng chí đề nghị cần sử dụng công trình này đúng mục đích. Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ cơ sở, qua đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Ngày 4-7, đồng chí NGUYỄN VĂN BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo Ðề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” dự và chủ trì hội thảo “Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, tỉnh Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển. Trong 10 năm qua, tỉnh đã có bước khởi sắc mạnh mẽ. Trong thời gian tới tỉnh xác định phát triển theo hướng công nghiệp là khả thi, đúng đắn. Tuy nhiên, tỉnh phải có bước đi, có lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm. Hiện nay, Thanh Hóa đã có Khu kinh tế Nghi Sơn, có nhà máy lọc hóa dầu. Bước tiếp theo, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ sau lọc hóa dầu nhằm tận dụng các sản phẩm từ lọc hóa dầu. Với đặc thù đất rộng, người đông, tỉnh cần quan tâm phát triển nông nghiệp nhằm bảo đảm sinh kế, thu nhập của nhân dân, ổn định xã hội; khai thác các lợi thế để phát triển kinh tế biển; quan tâm vấn đề liên kết vùng; tập trung khai thác tốt nguồn lực lớn của Thanh Hóa về văn hóa và con người, phục vụ quá trình phát triển bền vững, lâu dài của tỉnh…

Ngày 4-7, Ðoàn công tác của Quốc hội (QH) do Phó Chủ tịch QH PHÙNG QUỐC HIỂN làm Trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các sở, ban, ngành về khảo sát an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập trên địa bàn.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch QH ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của Thừa Thiên Huế trong công tác di dân khu vực di tích Thượng Thành. Ðây là một chương trình trọng điểm của tỉnh, người dân rất đồng tình, phấn khởi trước cách làm của tỉnh. Thừa Thiên Huế hiện đang triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị theo cơ chế đặc thù với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế. Ðây là hướng đi đúng nhằm cụ thể hóa trong thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tỉnh cần phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện bộ tiêu chí, kiến nghị các cơ chế, chính sách đặc thù để báo cáo Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ QH và QH xem xét trong thời gian sớm nhất.

Liên quan công tác an ninh nguồn nước và quản lý an toàn hồ, đập trên địa bàn, Phó Chủ tịch QH cho rằng, Thừa Thiên Huế đã giải quyết được, song trong việc thoát lũ, cần tính đến quy hoạch hệ thống thủy lợi, tránh tình trạng lũ lụt, vỡ đập gây thiệt hại lớn. Ðồng chí thống nhất cao với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, giao Ðoàn công tác tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ QH sớm có những quyết sách phù hợp, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của địa phương trong thời gian tới.

Cùng ngày, Ðoàn công tác đến khảo sát công tác giải phóng mặt bằng khu vực Thượng Thành - Ðại nội Huế và kiểm tra thực tế tại Khu tái định cư Hương Sơ (TP Huế); kiểm tra khảo sát công trình đập ngăn mặn Thảo Long (huyện Phú Vang); thăm mô hình chăn nuôi an toàn sinh học bằng công nghệ vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm tại xã Phong Thu, huyện Phong Ðiền.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc-607508/