Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ngày 20-5, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Nhà nước xây dựng đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu, làm việc với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT).

Tại Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian tới, ngành y tế sẽ thực hiện đổi mới quản lý các đơn vị y tế công lập theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện; thực hiện các mô hình quản trị tiên tiến các bệnh viện công lập; xây dựng và phát triển hệ thống các bệnh viện công và bệnh viện tư hoạt động theo cơ chế không vì mục đích lợi nhuận. Bộ Y tế thực hiện quy hoạch lại, giảm đơn vị sự nghiệp trực thuộc; cải cách thủ tục hành chính, hướng tới sự hài lòng của người bệnh...

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Y tế cần đề xuất những giải pháp mạnh và đột phá về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức hệ thống y tế để Ban Chỉ đạo Nhà nước tập hợp, trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Những đổi mới nhằm mục tiêu tăng năng lực, quy mô, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Xem xét, kiến nghị hạn chế và tiến tới xóa bỏ đơn vị chủ quản; đồng thời đánh giá kỹ về hiệu quả, chức năng của các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực; xem xét lại quá trình sắp xếp theo địa giới và khu vực.

Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay, việc tự chủ về tài chính và thực hiện xã hội hóa các dịch vụ y tế đang diễn ra mạnh mẽ tại tuyến trung ương, tạo nên sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng, nhưng cũng còn tình trạng lẫn lộn công - tư. Trong khi đó tại tuyến dưới lại thiếu sự đầu tư về trang thiết bị và nhân lực nên thiếu sự cạnh tranh và vắng người bệnh. Do vậy, vấn đề tự chủ gắn với xã hội hóa nhưng phải rành mạch, không được công - tư lẫn lộn; có biện pháp hạn chế tình trạng người bệnh dồn hết về tuyến cuối…

* Buổi chiều, Đoàn khảo sát làm việc tại Bộ GD và ĐT. Báo cáo của Bộ GD và ĐT cho biết, kết thúc năm học 2015-2016, cả nước có 44.961 đơn vị trường học; trong đó, có 42.093 đơn vị trường học công lập; 2.868 trường ngoài công lập. Cơ chế quản lý trong các đơn vị, nhất là với giáo dục đại học được đổi mới khi người đứng đầu đơn vị được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn. Các đơn vị đã chủ động đổi mới tăng nguồn thu, tăng thu nhập cho người lao động; chủ động, rà soát, sắp xếp lại bộ máy… Tuy nhiên, điểm hạn chế là chính sách hai giá (giá của đơn vị công lập và ngoài công lập) vẫn được duy trì; mặc dù các đơn vị tự chủ nhưng vẫn phải tuân thủ mức trần học phí do Nhà nước quy định. Cơ chế quản lý đội ngũ từ khâu tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tinh giản biên chế… quá chặt chẽ giống như công chức đơn vị hành chính, dẫn đến chưa phát huy được tính chủ động, tự chủ. Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ, thời gian tới, ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các đơn vị...

Phát biểu ý kiến tại buổi khảo sát, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay, ở nước ta có ba loại dịch vụ là: dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích. Trong đó, các đơn vị, cơ sở giáo dục là thuộc dịch vụ sự nghiệp công. Vì vậy, ngành GD và ĐT cần bám sát các vấn đề đổi mới cơ chế quản lý gồm: công tác quản lý nhà nước (xây dựng hệ thống quy định pháp luật, tổ chức thực hiện, thanh tra giám sát…); công tác quản lý của chính các cơ sở giáo dục. Mặt khác, đổi mới cơ chế tài chính phải tính toán kỹ lưỡng lộ trình, hình thức như thế nào; trong thời kỳ quá độ đổi mới cơ chế tài chính thì phần ngân sách nhà nước sẽ cấp ra sao… Tính toán triển khai việc sắp xếp lại hệ thống mạng lưới quy hoạch các đơn vị ra sao để bảo đảm tinh gọn, giảm đầu mối…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32930702-hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc.html