Hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước

Ngày 17-10, tại Hà Nội, Ðoàn khảo sát do đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và ưu đãi người có công (NCC) dẫn đầu, làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam về nghiên cứu, khảo sát phục vụ xây dựng Ðề án cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi NCC.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cho rằng, việc cải cách không chỉ là điều chỉnh tiền lương cơ bản, tối thiểu, mà còn nhiều vấn đề liên quan chính sách tiền lương, ở nhiều khu vực như: cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động khu vực Nhà nước, khu vực sản xuất, kinh doanh... Ðồng chí chỉ ra những bất cập của chính sách tiền lương hiện nay, đó là: Chưa làm người lao động gắn bó công việc, mức lương tối thiểu chưa bảo đảm mức sống tối thiểu; quan hệ tiền lương mang tính bình quân, thấp hơn nhiều so với quan hệ tiền lương trên thị trường lao động; hệ thống thang bảng lương phức tạp, lạc hậu. Nguyên nhân của thực trạng này là, số đối tượng hưởng lương tăng nhanh, hiện có hơn tám triệu người hưởng lương từ ngân sách, trong khi ngân sách không đáp ứng kịp, nguồn lực ngân sách hạn chế; chưa tạo đột phá về quản lý ngân sách; chưa quản lý tốt tiền lương; chưa khắc phục bất cập trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công...

Phó Thủ tướng đề nghị Tổng LÐLÐ Việt Nam tính toán, thiết kế thang, bảng lương; tìm nguồn chi trả, cách quản lý và trả lương cho cán bộ, viên chức. Với khu vực sản xuất, Tổng Liên đoàn cần làm rõ về tiền lương tối thiểu vùng. Ðồng thời, phải chú ý tới đặc thù của ngành, để không quản lý biên chế cào bằng, bảo đảm thu để chi cho lương; xác định nguồn trả lương phải gắn với cải cách bộ máy và tinh giản biên chế... Về chi trả BHXH, cần tuân thủ nguyên tắc bao phủ, chia sẻ rủi ro và tổ chức thực hiện chính sách này.

* Chiều 17-10, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đến tham quan Hội chợ quốc tế quà tặng, hàng thủ công mỹ nghệ (Hanoi Gift Show 2017) do UBND thành phố Hà Nội tổ chức tại Trung tâm Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại (số 489 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy). Hội chợ năm nay có hơn 650 gian hàng của hơn 250 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố trong nước và các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Nê-pan trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề, địa phương mình; giao lưu học hỏi cách sản xuất, tiếp cận thị trường, tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm...

Ðồng chí Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong việc trưng bày, giới thiệu mẫu mã sản phẩm, tư vấn, thông tin tới khách hàng. Các doanh nghiệp đã chủ động hướng tới sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng tiêu chí, thị hiếu của thị trường nước ngoài. Ðồng chí đề nghị Sở Công thương Hà Nội và các đơn vị liên quan tiếp tục là đầu mối, tìm kiếm, giới thiệu các thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trong nước, thông qua các hội chợ, triển lãm, giao thương... một cách hiệu quả; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề trong đổi mới mẫu mã, tư vấn thiết kế, có thể thuê các chuyên gia thiết kế trong và ngoài nước để hỗ trợ cơ sở sản xuất, tổ chức các lớp đào tạo thiết kế, để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên thị trường quốc tế.

* Ngày 17-10, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì buổi gặp mặt giữa Thường trực Thành ủy với lãnh đạo một số cơ quan báo chí T.Ư và TP Hồ Chí Minh.

Tại buổi gặp mặt, với tinh thần thẳng thắn, chân tình, góp ý xây dựng cao, các cơ quan báo chí đóng góp nhiều ý kiến vì sự phát triển của thành phố; đề xuất thành phố nghiên cứu xây dựng hạ tầng đa phương tiện dùng chung cho các cơ quan báo chí trên địa bàn, xây dựng trung tâm báo chí là đầu mối cung cấp thông tin.

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao vai trò và những đóng góp của báo chí trong sự phát triển chung của thành phố và ở từng lĩnh vực cụ thể. Báo chí là một kênh quan trọng để phát hiện, phản ánh đóng góp của người dân với Ðảng bộ và chính quyền thành phố. Lãnh đạo thành phố mong muốn được nghe những suy nghĩ, kiến nghị, hiến kế của người dân một cách kịp thời qua báo chí. Thông qua báo chí, người dân còn thực hiện quyền giám sát của mình. Thành phố sẵn sàng chia sẻ, lắng nghe, hỗ trợ các hoạt động báo chí.

Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu thời gian tới, các sở, ngành, quận, huyện tổ chức tiếp thu ý kiến, gặp gỡ trao đổi, phản hồi thông tin đối với những ý kiến đóng góp vì sự phát triển của thành phố; yêu cầu các đơn vị khắc phục, xử lý ngay những hiện tượng, sự việc mà báo chí phản ánh.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34431102-hoat-dong-cua-lanh-dao-ðang-nha-nuoc.html