Hoạt động công nhận, chứng nhận - 'bệ đỡ' nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ

Hiện nay ở Việt Nam có hơn 100 chương trình chứng nhận đã được Văn phòng Công nhận chất lượng Việt Nam (BoA) đánh giá và công nhận, trong đó có khoảng 60 chương trình chứng nhận liên quan đến các hệ thống quản lý.

Ông Vũ Xuân Thủy - Giám đốc BoA và Chủ tịch KAB ký kết thỏa thuận hợp tác Công nhận.

Theo nhận định của ông Vũ Xuân Thủy, Giám đốc Văn phòng Công nhận chất lượng Việt Nam (BoA), hoạt động công nhận cũng như chứng nhận tại Việt Nam trong thời gian qua đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Theo số liệu của tổ chức ISO, với 1,6 triệu chứng chỉ ISO về hệ thống quản lý đã được cấp trên thế giới thì có khoảng hơn 7.000 chứng chỉ, chứng nhận do các tổ chức chứng nhận cấp ở Việt Nam cấp cho 6 hệ thống quản lý khác nhau như: Hệ thống quản lý chất lượng (QMS); hệ thống quản lý môi trường (EMS); hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (FSMS); hệ thống quản lý năng lượng (EnMS)... Đây đều là những hệ thống quản lý tiên tiến, hoạt động thực hành tốt, đã được thế giới đúc kết đưa vào trong tiêu chuẩn. Việt Nam chúng ta cũng đang áp dụng các hệ thống này.

“Các hệ thống quản lý khác nhau đang được áp dụng tại hơn 7.000 doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam chắc chắn sẽ giúp các đơn vị cải thiện quản trị nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và tạo thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, hoạt động công nhận cũng song hành cùng với hoạt động chứng nhận để đảm bảo rằng, các chứng chỉ do tổ chức chứng nhận cấp ra là tin cậy. Hiện nay ở Việt Nam có hơn 100 chương trình chứng nhận đã được BoA đánh giá và công nhận, trong đó có khoảng 60 chương trình chứng nhận liên quan đến các hệ thống quản lý", ông Thủy cho biết.

Đề cập về những lợi ích mà DN sẽ được hưởng thông qua hoạt động chứng nhận, ông Thủy cho rằng, trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng cùng sự cạnh tranh khốc liệt với các DN nước ngoài, các DN có chứng chỉ hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO sẽ là điều kiện để tham gia đấu thầu, được các khách hàng lớn từ các công ty đa quốc gia dùng làm căn cứ để đánh giá, chấp nhận.

“Ví dụ đối với chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, công tác tổ chức sẽ hoạt động theo cách thức đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra, phát triển bền vững và luôn đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Đối với hệ thống quản lý môi trường, công tác tổ chức sẽ đảm bảo tuân thủ các yêu cầu pháp luật về môi trường của Việt Nam, cải thiện hoạt động môi trường; hệ thống quản lý an toàn thực phẩm phải đảm bảo thực phẩm được sản xuất theo đúng cách từ trang trại đến bàn ăn; còn với hệ thống quản lý năng lượng, DN sẽ xây dựng được hệ thống quản lý để sử dụng năng lượng tối ưu...”, Giám đốc BoA dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo ông Thủy mặc dù đóng hoạt động công nhận, chứng nhận có vai trò quan trọng đối với sản xuất, kinh doanh của các DN Việt nhưng hiện chưa nhiều DN coi trọng hoạt động chứng nhận, đặc biệt là việc lựa chọn đúng và trúng tổ chức công nhận, chứng nhận phù hợp.

Trong những năm qua, sự thừa nhận lẫn nhau lĩnh vực công nhận, chứng nhận đã rút ngắn thời gian, tiết kiệm tối đa chi phí cho doanh nghiệp.

Việc áp dụng các hệ thống quản lý trong các DN là điều tốt và cần phải được khuyến khích. Công tác thực hành quản lý tốt đã được thế giới đúc kết, được đưa vào trong hệ thống tiêu chuẩn. Nếu áp dụng tốt, điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn cho DN.

Đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh giữa các DN trong và ngoài nước, phần lớn các khách hàng lớn trên thế giới đều yêu cầu nhà cung cấp phải có chứng chỉ ISO. Trường hợp nhà cung cấp, DN đó không có, hoặc chưa được cấp chứng chỉ thì sản phẩm của chính DN sẽ không được chấp nhận.

Tuy vậy, các DN phải ý thức được việc xây dựng và có chứng chỉ ISO là hoạt động thực chất, hay nói cách khác là thể hiện đúng thực chất chất lượng sản phẩm của chính DN đó. Có nghĩa, DN không nên cố gắng bằng mọi giá (không theo chuẩn mực) để có chứng chỉ.

Điều quan trọng ở đây là sự quyết tâm thật sự của lãnh đạo tổ chức, DN đó với mong muốn đơn vị, DN của chính mình phát triển bền vững và sản phẩm, dịch vụ luôn đáp ứng yêu cầu của khách hàng, ông Thủy nhận định.

Tổ chức công nhận là đơn vị đánh giá và cấp chứng chỉ cho các tổ chức chứng nhận để khẳng định các tổ chức chứng nhận này có đủ năng lực tiến hành đánh giá, cấp chứng chỉ chứng nhận cho các tổ chức, DN. Đồng thời, tổ chức chứng nhận phải tuân thủ theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17021.

Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 100 tổ chức chứng nhận đang hoạt động bao gồm: Các tổ chức chứng nhận thuộc Nhà nước, tổ chức chứng nhận tư nhân, tổ chức chứng nhận có vốn đầu tư nước ngoài.

Bảo Anh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/hoat-dong-cong-nhan-chung-nhan-be-do-nang-cao-chat-luong-san-pham-dich-vu-d149251.html