Hoạt động Công đoàn phải gắn với lợi ích người lao động

Trong xu thế hội nhập, Công đoàn Việt Nam phải hướng mạnh nội dung hoạt động vào thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động

Ngày 26-11, tại TP Hà Nội, Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) tổ chức hội thảo "Cơ sở lý luận và thực tiễn về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn (CĐ) Việt Nam khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới". Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài hệ thống CĐ tham dự.

Cơ hội và thách thức đan xen

TS Lê Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CĐ, cho rằng khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), lần đầu tiên vấn đề nhiều tổ chức CĐ được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Theo đó, trong doanh nghiệp (DN) có thể có nhiều tổ chức CĐ. Các tổ chức CĐ cơ sở này có thể thuộc hoặc không thuộc hệ thống CĐ Việt Nam hiện nay. "Bởi vậy, thách thức lớn đặt ra là CĐ Việt Nam phải nỗ lực thu hút đoàn viên CĐ với tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) khác (nếu có) được thành lập ở cơ sở" - ông Hùng nói và cho rằng điều này đặt ra yêu cầu cần thay đổi cơ bản nhận thức, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, giá trị cốt lõi, truyền thống của CĐ Việt Nam.

Đại diện LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM (bìa trái) tiếp nhận đơn ủy quyền khởi kiện đòi quyền lợi về lương, BHXH của công nhân Công ty TNHH Sunlight. Ảnh: CAO HƯỜNG

Đại diện LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM (bìa trái) tiếp nhận đơn ủy quyền khởi kiện đòi quyền lợi về lương, BHXH của công nhân Công ty TNHH Sunlight. Ảnh: CAO HƯỜNG

Theo TS Lê Mạnh Hùng, trong khi CĐ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, bên cạnh chức năng bảo vệ NLĐ còn có 2 chức năng rất đặc thù là tham gia quản lý và tuyên truyền giáo dục công nhân - lao động vì mục tiêu xây dựng đất nước thì tổ chức của NLĐ tại DN ngoài CĐ Việt Nam không phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm chính trị mà chỉ tập trung chủ yếu nguồn lực vào việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Khác biệt này đòi hỏi CĐ Việt Nam phải ưu tiên hướng mạnh nội dung hoạt động vào thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ để "cạnh tranh" với tổ chức đại diện NLĐ khác" - ông Hùng nhấn mạnh. Theo các chuyên gia, thực tiễn trên cũng có thể xem là cơ hội, là "cú hích" để CĐ Việt Nam tự đổi mới, thích ứng với điều kiện mới. Nỗ lực giải quyết các thách thức về tài chính, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của CĐ và xây dựng đội ngũ cán bộ… sẽ giúp CĐ Việt Nam có những bước phát triển tích cực, có khả năng mang tính đột phá.

Đánh giá về tác động của các FTA thế hệ mới, TS Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) - cho rằng các FTA thế hệ mới sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ. Việc gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm từ 16.500 - 27.000 việc làm/năm, tính từ năm 2020 trở đi. Đối với việc tham gia EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu), giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 18.000 - 19.000 việc làm/năm. Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng có thể giúp Việt Nam tạo thêm từ 13.700 - 15.000 việc làm/năm. Theo TS Lê Huy Khôi, cơ hội và thách thức đối với NLĐ và tổ chức CĐ Việt Nam ở lĩnh vực đời sống, việc làm khá rõ nét. Trước hết, quyền lợi của NLĐ sẽ được quan tâm đầy đủ, sâu sát hơn; sẽ có nhiều cơ hội việc làm, lựa chọn nghề nghiệp, thu nhập, đời sống được nâng cao. Để tận dụng cơ hội, lực lượng lao động Việt Nam cần được đào tạo chuyên sâu, đặc biệt khi vào giai đoạn công nghệ 4.0.

Sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả

TS Vũ Anh Đức, Trưởng Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh sau hơn 30 năm đổi mới, đội ngũ CNVC-LĐ nước ta có sự phát triển vượt bậc. Cùng với sự phát triển của các thành phần kinh tế, giai cấp công nhân và tổ chức CĐ Việt Nam không ngừng lớn mạnh. Hoạt động CĐ ngày càng thiết thực, hiệu quả, khẳng định được vai trò là tổ chức đại diện của NLĐ với nhiều hoạt động tiêu biểu như: Tham gia xây dựng chính sách pháp luật, đối thoại, thương lượng tập thể, khởi kiện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Các cấp CĐ tích cực, chủ động tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chăm lo việc làm, đời sống NLĐ, phát triển tổ chức cơ sở Đảng và xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, CĐ Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Theo TS Vũ Anh Đức, một trong những thách thức lớn nhất đặt ra đối với tổ chức CĐ khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới là việc pháp luật cho phép thành lập tổ chức của NLĐ tại DN ngoài CĐ Việt Nam. Thực tiễn này đòi hỏi CĐ Việt Nam phải đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là việc thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì hệ thống tổ chức CĐ Việt Nam 4 cấp kết hợp CĐ ngành với CĐ địa phương như hiện nay, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và linh hoạt liên kết theo ngành; sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy CĐ các cấp bảo đảm tinh gọn, linh hoạt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không chồng chéo, không sót việc.

TS Lê Cao Thắng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học CĐ, cho rằng với thực trạng đã và đang diễn ra, cùng với những nhân tố tác động trong thời gian sắp tới đã tạo nên xu hướng phát triển mới, mà ở đó nếu không gắn với lợi ích của NLĐ thì tổ chức CĐ sẽ dần mất đi đoàn viên, không tạo được vị thế như trước đây mà thay vào đó là những tổ chức đại diện NLĐ khác. Chính vì vậy, tổ chức CĐ Việt Nam cần bám sát những nội dung trọng tâm thuộc các chức năng của mình để thực thi có hiệu quả. "Việc bảo đảm tiền lương và thu nhập của NLĐ là một nội dung rất quan trọng cần phải quan tâm trong việc thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ" - ông Thắng nhìn nhận.

"CĐ Việt Nam hiện có nhiều ưu thế nhưng cũng có nhiều bất cập về mô hình tổ chức. Nếu không đổi mới nội dung phương thức hoạt động CĐ cơ sở thì CĐ Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ngay từ bây giờ rất cần những cán bộ bản lĩnh, trình độ, uy tín tham gia lãnh đạo CĐ, nhất là ở cơ sở".

TS LÊ HUY KHÔI

VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/hoat-dong-cong-doan-phai-gan-voi-loi-ich-nguoi-lao-dong-20201126211120304.htm