Hoàng Trần Cương- Những bài thơ đọng lại

Nhà thơ Hoàng Trần Cương sinh năm 1948 ở Nghệ An, thuộc dòng dõi họ Mạc (hậu duệ đời thứ 29 của Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi), tác giả của những câu thơ, bài thơ nổi tiếng về miền Trung vừa qua đời tại Hà Nội, để lại nhiều nỗi tiếc thương trong lòng bè bạn, trong lòng những người yêu văn chương.

Mẹ

Đọc lại tập thơ nổi tiếng nhất của ông, tập “Trầm tích” (1996), tôi bị ám ảnh nhiều nhất bởi những câu thơ về mẹ và quê hương. Đây có lẽ cũng là một trong những cảm hứng lớn nhất trong thơ Hoàng Trần Cương, mang lại cho ông nhiều thi phẩm xuất sắc và cũng khiến ông trăn trở suốt một đời văn.

Người mẹ trong thơ Hoàng Trần Cương hiện lên trước tiên với nỗi vất vả nhọc nhằn ở một vùng quê lam lũ. Cái vất vả ấy kéo dài suốt tháng quanh năm, nó thấm vào đứa trẻ từ khi mới lọt lòng: “Mẹ tôi đẻ rơi tôi bên cối giã gạo/ Tôi lấm láp đáp mình vào đất” (Nguồn cội). Trong mỗi cuộc mưu sinh hàng ngày, trong những khi phải chống đỡ với thiên tai, có những câu thơ dễ khiến chúng ta ứa nước mắt vì cảm động, vì xót xa: “Bữa tôi chào đời trời rạch chớp xanh/ Nước sông Lam đã trèo vào cổng/ Treo vội con lên chạn/ Mẹ xắn quần đi giằng lại cái sanh đồng sứt quai (Cật tre), Mẹ lật đật trèo lên đò ngang/ Quẩy theo con vào chợ/ Gò lưng giữ cho cân đòn gánh/ Chỉ sợ con lật người là đổ mất ngày mai… Sớm mai sụp nón/Sấp mặt ngồi cuối chợ/ Nhặt về những đồng xu bạc phếch đất bùn” (Thóc giống). Mẹ giống như nhân vật nữ mang tính điển hình cao nhất, đại diện cho quê hương. Bên cạnh mẹ còn thấp thoáng bóng dáng người bà, cũng vất vả lầm lũi suốt một đời, lúc nào cũng dõi theo và yêu thương cháu: “Chiều chiều mẹ ra sông mót cá/ Tôi tha thẩn khắp vườn bòn mấy quả mận xanh… Đâu biết có bà vẫn lần theo canh chừng gai góc/ Lụi hụi dáng lưng còng lóng ngóng vịn cơn mưa” (Đất mật). “Lụi hụi dáng lưng còng lóng ngóng vịn cơn mưa”, theo tôi là một trong những câu thơ hay nhất viết về hình ảnh người bà trong thơ Việt Nam hiện đại. Câu thơ đầy ám ảnh bởi tính tượng hình qua việc điệp lại 5 lần phụ âm cuối “ng” qua các từ: dáng, lưng, còng, lóng, ngóng. Ba chữ “vịn cơn mưa” ở cuối câu thơ lại mang vẻ đẹp kì ảo. Người bà như bước từ quá khứ, từ những hồi ức kỷ niệm trở về hiện tại với tác giả, vừa gần gụi mà vừa xa mờ. Hai chữ “lụi hụi” mang thanh nặng khiến âm điệu câu thơ lúc đầu chìm xuống, nhưng hai chữ “cơn mưa” mang thanh không lại khiến câu thơ bay lên khi kết thúc, làm lòng người mãi rưng rưng…

Người mẹ trong bao kham khổ, vất vả vẫn tần tảo chắt chiu chăm lo cho đàn con mỗi ngày. Người mẹ nào mà chẳng quan tâm lo lắng yêu thương các con, nhưng người mẹ chăm lo cho đàn con trong cảnh nghèo mà Hoàng Trần Cương tạc lại trong thơ có những chi tiết vô cùng ám ảnh: “Mong bắt được vài con cá chầy/ Để buổi chợ sớm mai mẹ không ngồi đỏ mắt/ Để bữa cơm chiều hôm không vàng khè màu ngô dặt/ Với đĩa rau lang cao như tầng núi xám/ Che mặt các em con phía bên kia mâm/Nước mắt mẹ rơi thầm/ Những giọt nước mắt mẹ cố che để con không nhìn thấy” (Thóc giống). Không chỉ những chi tiết mà còn là cả những câu chuyện cứ lần lượt hiện về từ trong ký ức, những câu chuyện rất thực rất đời từ một vùng quê nghèo, không cần tô vẽ, nhà thơ chỉ kể lại đúng như nó diễn ra để rồi những câu chữ chạm thẳng vào tim người đọc: “Tôi nhảy nhót/Va vào vại nhút/Vại nhút va vào gốc cau và vỡ tan tành/ Vỡ tan tành thức ăn cất trữ của cả nhà trong mùa lụt/Mẹ không mắng/ Mà khom lưng nhặt nhạnh/ Những mảnh sành kết muối trắng tinh/Vại nhút vỡ mất rồi/ Biết lấy gì đắp lên bát cơm gạo lứt/Mẹ chan tiếng cười chạy vòng quanh mâm/ Nhìn những mảnh sành vương vãi khắp sân/Tôi chợt hiểu/Vì sao tóc bà rồi tóc mẹ/ Cứ trắng như phía trong của lớp mảnh sành nằm đáy vại/Khi tan cả hình hài/ Ta mới kịp nhận ra…” (Cật tre).

Người mẹ không chỉ nuôi con khôn lớn mà còn trao cho con một sức mạnh tinh thần, cho con mình một trái tim vừa biết mạnh mẽ vừa biết yêu thương: “Mẹ ơi/ Mẹ đã cho con trái tim mang hình chóp núi/ Chống nắng chọi mưa/ Trần trụi dưới trời/ Cái chóp núi vừa ngoi lên đã chui qua cát bụi” (Địa linh)

Quê hương

Hoàng Trần Cương sinh ra và lớn lên tại xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, một vùng quê nghèo của miền Trung gió Lào cát trắng. Hình ảnh một vùng quê nghèo đi vào nhiều câu thơ, bài thơ của ông với những diễn đạt độc đáo: “Ôi quê hương!/ Cái đòn gánh trĩu hai đầu đất nước/ Gió bão thù chi với mảnh đất này/ Nối đuôi nhau xếp hàng ngang đen sì ngoài biển/ Mưa giờ Ngọ chưa qua gió giờ Mùi đã đến/ Cay đắng lắng vào trái ớt lúc còn xanh/ Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh/ Ngẩng mặt đụng trời xanh nhức mắt/ Dằng dặc dải làng quê thưa thắt/ Những vạt lúa đỏ đuôi luội mình đổ rạp/Chỏng chơ nồi cơm ngày đói khát/ Tảng cháy cạy đi rồi/ Còn hằn vết móng tay/ Cày lên/ Sưng cả đáy nồi” (Nguồn cội). Cái nhọc nhằn nghèo khó không chỉ in hằn lên bóng dáng mỗi con người mà nó còn in dấu vào tất cả thiên nhiên, đất trời, sự vật, đồ đạc nơi đây: từ mỗi cơn nắng cơn mưa, quả chanh quả ớt, vạt lúa nồi cơm. Trước Hoàng Trần Cương, chưa có ai tả về cái nghèo đầy day dứt như hình ảnh “sưng cả đáy nồi”. Con người chống đỡ lại cái nghèo, cái khắc nghiệt của thiên nhiên, nhiều lúc tưởng chừng như quá sức, tưởng chừng như bất lực, nghẹn ngào: “Gió lào/ Thổi khô nước mắm/ Mẹ giấu biệt trong buồng mà gió chẳng buông tha” (Địa linh).

Quê hương nghèo nhưng luôn ấm áp tình người, bắt nguồn từ một nguồn cội sâu thẳm, không chỉ có kết nối giữa những người đang sống mà còn kết nối cả với những người đã khuất: “Người đã khuất vẫn cưu mang người đang sống/ Ngôi mộ là chứng nhân/ Những chứng nhân mọc và rụng không bất ngờ với đất/ Đất hiến trao/Đất lại nhận về (…) Ngày tảo mộ cả làng dậy sớm/Ngạt ngào xôi nếp thơm/ Mùi cỏ dại cay nồng/ Mùi hương bay ríu giọng/ Những chi tộc gần xa về hội ngộ/Mơ hồ phấn mưa bay/ Vuông đất này xin bái tiến tổ tiên/Vuông đất này xin hiến trao người lạ” (Tảo mộ). Quê hương nghèo mà luôn mở rộng vòng tay với những ai tìm đến, tìm về. Một quê hương đằm thắm yêu thương, dũng cảm kiên cường qua bao năm tháng chiến tranh, và rồi đọng lại là sự đoàn tụ sum vầy. Bài thơ nổi tiếng nhất về quê hương của Hoàng Trần Cương chính là tuyệt phẩm “Miền Trung”, được viết từ năm 1990, đến năm 1996 ông dùng tác phẩm này làm đoạn kết cho trường ca “Trầm tích”. Thi phẩm mang vẻ đẹp lộng lẫy như một tượng đài về đất và người miền Trung: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/ Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam… Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm dăng màn/ Thoáng bóng giặc núi bửa thành máng súng/ Những đứa con văng như mảnh đạn/ Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi… Miền Trung/ Câu ví dặm nằm nghiêng/ Trên nắng và dưới cát/ Đến câu hát cũng hai lần sàng lại/ Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm/ Miền Trung/ Bao giờ em về thăm/Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt/Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ/ Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo mọc trắng mặt người/ Miền Trung/ Eo đất này thắt đáy lưng ong/ Cho tình người đọng mật/ Em gắng về/ Đừng để mẹ già mong”.

Vỹ thanh

Hoàng Trần Cương khi viết về mẹ, bao giờ bóng mẹ cũng hiện lên giữa quê hương. Ngược lại, khi viết về quê hương, bao giờ cũng thấp thoáng bóng hình người mẹ. Có thể nói, mẹ và quê là hai vế song hành không tách rời trong một loạt thi phẩm của ông, chinh phục người đọc bẳng sự thành thực, xúc động, ngôn ngữ thơ chân mộc, xù xì mà nhức buốt tâm can. Cách diễn đạt nhiều khi có pha chút cường điệu nhưng luôn độc đáo, ấn tượng, đặc biệt những diễn tả về cái nghèo. Trong lòng mỗi người yêu thơ Hoàng Trần Cương, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên ở miền Trung, chắc chắn vị trí của ông, những câu thơ của ông là không bao giờ có thể thay thế. Xin được khép lại bài viết bằng những câu thơ thật đẹp, thật tươi sáng của ông trong một tình yêu sâu thẳm, vĩnh viễn, hướng về mẹ và quê hương: “Mẹ là trầm tích của bạt ngàn thương mến/ Xanh mát bầu trời đượm ấm hương quê/ Đưa ngọn gió trở về xóm nhỏ/ Đưa cơn mưa xuống mạch giếng làng/ Đưa mây trắng về trời khêu lại nắng/ Đưa nỗi buồn ra khỏi thôn trang” (Những viên đá lẻ).

Đỗ Anh Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/hoang-tran-cuong-nhung-bai-tho-dong-lai-tintuc465089