Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần – 'Chúa cả trăm vị thần'

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, có biết bao anh hùng liệt nữ đã xả thân vì nước. Một trong số những người phụ nữ có tấm lòng hy sinh cao cả đó là Phạm Thị Ngọc Trần – vợ của Vua Lê Thái tổ và là mẹ của Vua Lê Thái tông, một vị vua anh minh, trí tuệ.

Đền thờ Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần tại xã Xuân Hòa (Thọ Xuân).

Sách “Thanh Hóa chư thần lục” ghi lại: Một lần Lê Lợi sang sông, trời đã nhập nhoạng tối, sương thu như một dải màn trắng mỏng, giăng đầy trên mặt sông bãi mía. Thấp thoáng đầu nương dâu, một người con gái đang thoăn thoắt đôi tay hái những lá dâu xanh cho vào lẵng, lại gần quả là một thục nữ giai nhân, chân quê mà quý phái, sắc sảo mà hiền thục, lời nói nhẹ nhàng, thanh thoát như tơ. Lê Lợi hỏi ra mới biết người con gái ấy húy là Ngọc Trần, người làng Quần Lai, xã Đa Mỹ, huyện Lôi Dương (nay là xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân). Lê Lợi bèn đặt lễ hỏi làm vợ. Sau khi về làm thiếp của Lê Lợi, bà sớm hôm gánh vác việc thu xếp trang trại, coi sóc sản xuất, cây trồng. Khi vua tự xưng là Bình Định Vương dựng cờ khởi nghĩa, bà lặn lội theo hầu, trải qua nhiều gian lao nguy hiểm, đói khát, phải ăn củ nâu, măng rừng mà dạ vẫn kiên trinh giữ đạo làm tôi, làm vợ. Thân phụ của bà là Trần Hoành, anh trai là Trần Vận đều sớm tham gia khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh xâm lược.

Trong những năm tháng chiến đấu ác liệt chống quân Minh xâm lược, nhất là giai đoạn đầu hoạt động của nghĩa quân ở miền núi rừng Thanh Hóa thì vô cùng khó khăn và gian khổ, nhiều lúc có nguy cơ tan vỡ. Ba lần nghĩa quân bị giặc vây khốn ở căn cứ Chí Linh, tuyệt lương hàng tháng đói cơm, rách áo nhưng vẫn không nao núng tinh thần chiến đấu. Đây cũng là giai đoạn nghĩa quân vừa kháng địch, vừa rút kinh nghiệm chiến đấu, vận động chiến tranh Nhân dân và củng cố quân lương, vũ khí. Trong hoàn cảnh ấy, ở hậu phương, bà Phạm Thị Ngọc Trần không chỉ làm tốt đạo làm vợ, bà còn có công lớn trong việc củng cố quân lương, giúp nghĩa quân ngoài chiến trường thêm vững lòng tin, bền ý chí để đánh giặc. Để có lương thực cung cấp cho nghĩa quân, bà vận động Nhân dân trong vùng tăng gia sản xuất, vận động phường đánh cá Đa Mỹ dùng thuyền ngược dòng sông Chu tiếp tế lương thực cho nghĩa quân. Vì vậy, đã góp phần khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn về quân lương, thúc đẩy sự nghiệp chống quân Minh, sớm giải phóng đất nước.

Năm Ất Tỵ (1425), Lê Lợi vây đánh thành Nghệ An, đánh đến Triều Khẩu ở Hưng Nguyên, lúc nghĩa quân chuẩn bị vượt sông, trời đang nắng bỗng nổi giông tố mù mịt, sông nổi sóng ba đào, quân lính, ngựa voi không tài nào qua sông được. Lê Lợi cho gọi thổ dân đến hỏi, thổ dân thưa: “Sông này thờ thần Gián Hộ, cứ 3 năm lại phải hiến một người con gái, mấy năm nay loạn lạc, dân tình bỏ đi nơi khác nên việc cúng tế bỏ trễ”. Có người khuyên vua nên bắt một người con gái hiến cho thần. Lê Lợi nói: “Ta dựng cờ khởi nghĩa vì dân, nhiều năm nay bá tính bị giặc Minh giết người, cướp của gây bao tai ương, tang tóc, há ta lại bắt thêm một người dân vô tội nữa chết sao?”. Nói rồi vua cho hạ trại đóng quân đợi tìm kế khác. Đêm ấy, nhà vua trằn trọc không ngủ được, gần sáng thì nằm mộng thấy có một vị thần đến bảo rằng: “Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ xin phù hộ tướng quân dẹp được giặc, làm nên nghiệp đế”. Hôm sau, vua gọi các bà vợ đến hỏi: “Có ai chịu làm vợ thần Gián Hộ không? Sau này khi ta lấy được nước sẽ lập con người làm Thiên tử”. Các bà phi không ai nói gì, chỉ có bà Ngọc Trần khảng khái quỳ thưa: “Nếu Minh Công giữ lời hứa thì thiếp xin nguyện xả thân vì nước, sau này làm nên nghiệp lớn chớ phụ con thiếp”. Nhà vua khen ngợi và thương cảm nói với các tướng, nhận theo lời hẹn đó, lại sai các quan lấy bút ghi vào vạt áo để sau này khi đã nên nghiệp lớn có quên thì nhắc nhở. Lúc này bà Ngọc Trần mới có con được 3 tuổi. Lê Lợi làm lễ tế thần và dùng Phi làm vật tế. Vua bảo: “Bà ấy đúng là chúa cả trăm vị thần của nước ta, không ai dám trái”, bèn sai người ở động Nhân Trầm là Lê Cố rước quan tài về táng ở Thanh Hóa. Sau khi đuổi giặc Minh ra khỏi đất nước, Bình Định Vương lên ngôi hoàng đế, lập Lê Nguyên Long làm Thái tử cho nối ngôi. Khi Lê Thái tổ mất, Lê Nguyên Long lên ngôi vua (tức Vua Lê Thái tông) và truy tôn mẹ là Cung từ Quốc Thái Mẫu.

Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần mất ngày 24 tháng 3 âm lịch, năm Ất Tỵ (1425). Để tôn vinh và ghi nhớ sự hy sinh của người anh hùng liệt nữ, Nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ bà, như: Đền thờ ở xã Triều Khẩu (nay là xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An); đền thờ ở làng Quần Đội, xã Thọ Diên (Thọ Xuân); đền thờ ở làng Thượng Vôi, nay thuộc xã Xuân Hòa (Thọ Xuân); thờ ở Thái miếu Lam Kinh (Thọ Xuân), thờ ở Thái miếu nhà Hậu Lê (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa).

Đã gần 600 năm ngày Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần hóa thân đi vào lịch sử dân tộc. Sự hy sinh ấy như là tiếng kèn xung trận, hồi trống thúc giục để nghĩa quân Lam Sơn tiến lên tiêu diệt giặc Minh, giải phóng đất nước. Và cũng sự hy sinh cao cả ấy, cho đến ngày nay vẫn còn vang vọng, thổi truyền thành ngọn lửa niềm tin, niềm tự hào để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước truyền thống, noi gương người anh hùng liệt nữ chung sức, đồng lòng bảo vệ và dựng xây đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/hoang-thai-hau-pham-thi-ngoc-tran--chua-ca-tram-vi-than-nbsp/125875.htm