Hoang tàn sau mưa lũ

Mưa lũ dồn dập ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, trải dài từ Nghệ An ra đến Lai Châu, Lào Cai...

Báo cáo ngày 3-9 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết 5 ngày mưa lũ dồn dập vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho địa phương này.

Thiệt hại nghiêm trọng

Mưa lũ ở Thanh Hóa đã làm 12 người chết và mất tích, nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà, hàng trăm nhà bị đổ sập. Nhiều điểm trường cũng bị nước đánh sập, đất đá vùi lấp gần như hoàn toàn.

Riêng huyện Mường Lát, mưa lũ đã gây ra cảnh hoang tàn ở tất cả 9 xã, thị trấn. Theo thống kê sơ bộ đến chiều 3-9, toàn huyện có 105 nhà dân bị sập hoàn toàn, hàng trăm ngôi nhà khác bị ảnh hưởng, hư hỏng. Các xã, thị trấn đã phải di dời gần 300 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao. Bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ này ở Mường Lát là bản Poọng, xã Tam Chung, với 55/89 nhà dân bị đất đá, bùn cuốn trôi. Huyện đã di chuyển toàn bộ người dân tại bản Poọng tới nơi trú ẩn an toàn.

Về giao thông, tuyến Quốc lộ (QL) 15C qua Mường Lát vẫn bị chia cắt do có hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng, trong đó nặng nhất là đoạn qua địa bàn 2 xã Pù Nhi và Nhi Sơn. Hiện QL 15C mới chỉ thông được từ huyện Quan Hóa đến khu vực bản Táo, xã Trung Lý của huyện Mường Lát. Còn từ xã Trung Lý về thị trấn Mường Lát của huyện này vẫn tiếp tục bị chia cắt. Trong khi đó, tuyến QL16 từ Trung Lý đi cầu Chiềng Nưa (xã Mường Lý) cũng bị chia cắt ở nhiều đoạn, các phương tiện không thể đi qua những điểm sạt lở lớn. Ngoài ra, Tỉnh lộ 521D từ cầu Chiềng Nưa đi thị trấn Mường Lát đã bị sạt lở và đứt thành 5 đoạn, giao thông tê liệt hoàn toàn.

Người dân huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cào bùn đất, khắc phục hậu quả khi nước rút Ảnh: Tuấn Minh

Người dân huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cào bùn đất, khắc phục hậu quả khi nước rút Ảnh: Tuấn Minh

Tại Nghệ An, lũ quét đã cuốn trôi 27 nhà của người dân tại các huyện miền núi; 7 điểm trường bị ngập, hư hỏng tài sản, sách vở, đồ dùng học tập; 26 ha lúa, hàng trăm hecta hoa màu, ao nuôi thủy sản bị ngập; hơn 260 con gia cầm chết; rất nhiều công trình hạ tầng như đường giao thông, cầu cống bị sạt lở, hư hỏng.

Lai Châu và Lào Cai là 2 tỉnh miền núi phía Bắc chịu tổn thất lớn do mua lũ, sạt lở những ngày qua. Tính đến chiều 3-9, trên địa bàn Lai Châu xảy ra hàng trăm điểm sạt lở trên các tuyến QL 4D, 4H, 32, 12, 279 và các tuyến tỉnh lộ, với khối lượng đất đá lên đến trên 70.000 m3. Mưa lũ cũng làm 2 người ở huyện Mường Tè chết và mất tích do bị sạt lở đất và lũ cuốn; 1 người ở huyện Phong Thổ mất tích.

Còn ở Lào Cai, do mưa to kéo dài, trên suối Nậm Luông xuất hiện lũ lớn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngầm tràn tại Km71+400 trên Tỉnh lộ 153, thuộc địa bàn xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên. Lũ lớn làm một trụ ngầm bị xói lở khiến 2 nhịp mặt ngầm với chiều dài 12 m bị gãy. Để bảo đảm an toàn, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai đã cử người trực gác, đồng thời căng dây 2 đầu ngầm, kiên quyết không cho người dân cùng các phương tiện qua lại.

Khẩn trương khắc phục

Trước diễn biến của mưa lũ, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã lệnh giám đốc các công ty thủy điện Sơn La, Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy hồ Sơn La và 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào lúc 13 giờ ngày 3-9. Ban chỉ đạo yêu cầu tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về ban chỉ đạo và các cơ quan để có quyết định điều hành phù hợp tình hình thực tế.

Trong khi đó, các tỉnh bị ảnh hưởng khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả. Thanh Hóa đã huy động tối đa lực lượng để giúp dân, sớm ổn định cuộc sống. Tại huyện Mường Lát, các hoạt động cấp gạo, mì tôm, nhu yếu phẩm, bố trí chỗ ở cho các hộ phải di dời được diễn ra suốt ngày hôm qua. Ngành giáo dục của huyện này cũng đang rà soát các điểm trường bị nước đánh sập để chủ động bố trí lớp học cho học sinh khi năm học mới đã cận kề.

Sáng 3-9, tranh thủ nước rút, các lực lượng quân đội, công an, chính quyền địa phương cùng người dân các huyện miền núi tỉnh Nghệ An đã ra quân khắc phục hậu quả lũ quét, trọng tâm là sửa chữa nhà cửa; dọn dẹp, vệ sinh môi trường ở những nơi nước đã rút; tổ chức tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh, không để bùng phát, lây lan. Tại những vị trí đường giao thông đang bị ngập hoặc sạt lở, hư hỏng chưa thể qua lại, chính quyền địa phương phối hợp với ngành giao thông duy trì lực lượng kiểm soát, đóng cọc tiêu, biển báo, hướng dẫn, phân luồng giao thông để bảo đảm an toàn.

Các tuyến QL qua địa bàn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa về cơ bản đã được thông xe; các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn, xã vẫn còn nhiều điểm bị ngập, ách tắc, chưa khắc phục được, nhất là tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

16 người chết và mất tích

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết tính đến ngày 3-9, mưa lũ ở các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An đã làm 13 người chết, 3 người mất tích.

Bên cạnh đó, đã có 364 nhà bị sập đổ; 754 nhà bị chìm phải di dời dân khẩn cấp; 6.523 ha lúa, hoa màu thiệt hại; 512 con gia súc, 56.367 con gia cầm chết, bị cuốn trôi; 963 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 620 m kè và 6.174 m kênh mương bị hư hỏng, thiệt hại.

Thanh Tuấn - Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/hoang-tan-sau-mua-lu-20180903223438263.htm