Hoàng Su Phì đẩy mạnh chuỗi liên kết chăn nuôi gia súc an toàn sinh học

Mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò thịt an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã đạt những thành quả đáng mừng.

Việc xây dựng và phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò thịt an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm ở huyện Hoàng Su Phì đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu.

Trong đó, xã Pờ Ly Ngài chú trọng việc thành lập các nhóm cùng sở thích nhằm thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ sang tập trung thành hàng hóa, phát triển chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, nâng cao giá trị kinh tế.

Hiện, xã Pờ Ly Ngài có 10 nhóm như vậy, điển hình là nhóm chăn nuôi bò thuộc thôn Na Vang. Nhóm thành lập năm 2026 với 15 hộ thành viên.

Các hộ mạnh dạn mua giống bò lai có thể trạng tốt, đủ nguồn gốc xuất xứ về nuôi.

Tổng nhóm có 65 con bò. Hộ nuôi nhiều khoảng 12 con, hộ nuôi ít khoảng 3 con.

100% bò được nuôi nhốt theo mô hình an toàn sinh học. Các hộ tự chủ động nguồn thức ăn, trồng từ 1 -2 ha cỏ cho bò ăn.

Các thành viên trong nhóm liên kết với nhau để mua con giống và bán bò thịt cho các thương lái và cơ sở giết mổ; nhờ đó, giúp giảm chi phí đầu vào và tăng thu nhập cho các hộ thành viên.

Nguồn thức ăn cho bò là cỏ voi, pakchong 1, ngọn lá mía, cám ngô, cám xát, vỏ đỗ xanh… Ngoài ra còn có nguồn thức ăn ủ chua lên men như: Củ sắn tươi, bắp cây ngô chín sáp. Nhiều hộ gia đình tham gia thực hiện ủ chua dự trữ thức ăn để cho trâu, bò ăn dần.

Các hộ chăn nuôi đảm bảo sản phẩm khi xuất bán không có dư lượng thuốc kháng sinh, không có hoóc môn tăng trưởng.

Mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi giá trị và an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn bởi 1 năm có thể nuôi được 3 lứa và đầu ra của sản phẩm luôn được ổn định.

Ngoài ra, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học giảm triệt để mùi hôi trong khu vực chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường nhờ nguồn thức ăn là cám thảo dược sinh học.

Anh Lù Tờ Thành – thành viên nhóm chăn nuôi bò thôn Na Vang cho biết, trước đây anh chỉ nuôi 1 -2 con trâu lấy sức kéo, cày.

Sau khi tham gia nhóm liên kết và tiếp cận nguồn vốn vay, anh xây dựng chồng trại và mở rộng chăn nuôi với 5 con bò về sinh sản, cung cấp giống cho các hộ thành viên khác.

Đàn bò được tiêm chủng theo quy định. Hàng tuần anh vệ sinh, khử trùng chuồng trại bằng thuốc sát khuẩn.

Mỗi năm, anh nhẩm tính lãi khoảng 80 triệu đồng. Nhờ vậy, nguồn cung cấp giống đảm bảo về nguồn gốc.

Anh Lù Văn Chương – thành viên nhóm liên kết xã Tụ Nhân lại lựa chọn chăn nuôi trâu vỗ béo. Anh tìm mua trâu gầy tại các xã lân cận về nuôi và lựa chọn một số con trong đàn giống nhà anh Lù Tờ Thành.

Sau 3 – 6 tháng, trâu đạt trọng lượng, anh sẽ bán cho thương lái và các lò mổ. Anh duy trì số lượng đàn trâu từ 10 – 15 con. Trung bình anh thu nhập trên 100 triệu/năm.

Huyện Hoàng Su Phì là huyện miền núi, biên giới có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn, như: Người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, ít đầu tư chuồng trại, máy móc, thiết bị phục vụ trong chăn nuôi; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi còn hạn chế, thị trường tiêu thụ nhiều biến động; việc sản xuất con giống của các hộ chăn nuôi chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống, chất lượng con giống không đảm bảo, dẫn đến năng suất chăn nuôi chưa cao… Từ đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị ngành chăn nuôi cũng như thu nhập của các hộ chăn nuôi.

Sau khi UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đầu tư chiến lược 8 chuỗi giá trị tiềm năng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, trong đó có chuỗi giá trị trâu, bò, hàng hóa và được sự “giúp sức” của Chương trình CPRP, huyện Hoàng Su Phì đã ban hành phương án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Năm ngoái, giá trị ngành chăn nuôi của địa phương chiếm 24,48% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp; đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định từ 3% trở lên đối với gia súc, như: Trâu, bò, dê.

Theo báo cáo của UBND huyện, tổng đàn trâu, bò của huyện có 30.544 con, trong đó: Đàn trâu 23.528 con, so với cùng kỳ năm 2018 tăng 1,1% bằng 253 con; đàn bò đạt 7.016 con, so với cùng kỳ năm 2018 tăng 4,7% bằng 314 con.

Bằng nhiều hoạt động, như: Hỗ trợ các hộ vay vốn trồng cỏ, làm chuồng trại, mua con giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi… Chương trình CPRP đã góp phần không nhỏ trong việc giúp huyện Hoàng Su Phì xây dựng và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn sinh học mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò thịt vỗ béo an toàn sinh học.

Quang Sơn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin/hoang-su-phi-day-manh-chuoi-lien-ket-chan-nuoi-gia-suc-an-toan-sinh-hoc-722701.html