Hoàng Sa - Trường Sa ông cha ta khai thác, giữ gìn

Nhà bác học lớn nhất thời trung cổ ở nước ta, bảng nhãn khoa thi Tiến sĩ năm 1752 Lê Quý Đôn, đương chức Hộ bộ Tả thị lang (Thứ trưởng Bộ Tài chính) triều vua Lê, Nhập thị bồi tụng (Phó Thủ tướng) phủ chúa Trịnh vào năm 1776, thì được cử làm quan Hiệp trấn vào Thuận Hóa, Quảng Nam trị nhậm.

Một góc đảo Song Tử Tây. Ảnh: CTV

Dinh quan Hiệp trấn họ Lê đặt ở Phú Xuân (Huế). Tại đó, có tòa Triêu Dương Các, hướng mặt ra phía Đông để như tên gọi - đón ánh nắng ban mai của mặt trời mọc lên từ nơi biển đảo.

Những lúc rỗi việc quan, Lê Quý Đôn đều lên tòa gác Triêu Dương, sắp xếp lại những kết quả của bốn công đoạn nghiên cứu - cả trên thực địa lẫn trong sách vở - được ông gọi thành các tên công việc là: "Đi dạo núi sông", "Thăm hỏi di tích", "Xét xem lệ cũ" và "Tìm kiếm nhân tài" để viết thành sách.

Đó là công trình "Phủ biên tạp lục", gồm 6 quyển. Và những điều ghi nhận được trong thời gian 6 tháng vừa làm quan vừa viết sách, về tình hình từ cổ chí kim, cho đến năm 1776 của vùng biển, đảo phía Đông đất nước, được tập trung ghi chép vào và thành quyển thứ hai.

Ngồi cao trên tòa lầu giữa thành Phú Xuân nhìn ra hướng Biển Đông, tâm và trí cũng hướng cả ra phía ấy, quan Hiệp trấn và nhà bác học họ Lê, trước hết - cẩn trọng theo văn phong kiệm lời mà rành rọt của một ngọn sử bút lão luyện - chép gọn vào quyển thứ hai của sách "Phủ biên tạp lục" về các cửa biển và đảo gần xa của miền Trung đất nước:

"Phía ngoài các cửa biển xứ Thuận Hóa, Quảng Nam, đều có núi đá nổi lên trong biển để làm trấn, rộng hẹp không giống nhau". Chỉ một câu thôi, nhưng với ba chữ "để làm trấn", Lê Quý Đôn đã rất có ý thức về chủ quyền quốc gia đối với tất cả những "núi đá nổi lên trong biển, rộng hẹp không giống nhau" ấy. Những kiểm kê vắn tắt mà cụ thể tiếp theo, càng làm rõ tinh thần và ý thức này: "Thuộc Châu Nam Bố chính, ở thôn Bắc Biên, có núi gọi là Cù Lao Cỏ, ra biển đi 4 canh giờ thì tới nơi"/ "Ở phủ Điện Bàn, mé ngoài cửa biển Đà Nẵng, có núi gọi là Hòn Trà, Hòn Lỗ, ra biển nửa canh giờ thì đến"/"Thuộc phủ Thăng Hoa, ở ngoài cửa biển Đại Chiêm, có núi to, gọi là Cù Lao Chàm. Ba ngọn đối nhau. Hai ngọn lớn thì xanh tốt, có dân cư ruộng nương, có các thứ cam, quýt, đỗ, lạc... có suối nước ngọt, một ngọn thì nhỏ mà khô khan. Ra biển, đi 2 canh giờ thì đến". Hơn 200 năm về trước, những đảo Cồn Cỏ, bán đảo Trà Sơn, Cù Lao Chàm... ngày nay thuộc các đơn vị hành chính quốc gia, là các châu Nam Bố Chính, phủ Điện Bàn, phủ Thăng Hoa... ngày ấy đã rành rẽ mà vào sách "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn như thế.

Đến như đảo Lý Sơn, với nghề trồng tỏi đặc sản, với hệ thống những chứng tích, di tích và truyện tích liên quan tha thiết và mật thiết đến Hoàng Sa - Trường Sa của Tổ quốc ta ngày nay thì ngày ấy, quan Hiệp trấn và nhà bác học họ Lê càng viết kỹ hơn và gọi đúng tên nôm là "Cù Lao Ré", như sau: "Thuộc Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, có núi gọi là Cù Lao Ré, rộng hơn 30 dặm.

Trước có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu. Ra biển, đi 4 canh giờ thì đến". Nói kỹ càng như thế là để ngay sau đấy, viết tiếp thật sinh động và rõ ràng về Hoàng Sa - Trường Sa, ở "phía ngoài nữa" của xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Phủ Quảng Ngãi, ngày ấy. Và nói đến hai lần, lần sau kỹ hơn lần trước: "Phía ngoài nữa, lại có đảo đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hóa vật của tàu thuyền. Lập đội Hoàng Sa để lấy. Đi 3 ngày đêm thì đến"/ "Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn, có xã An Vĩnh ở gần biển. Ngoài khơi, về phía Đông Bắc, có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia, hoặc đi một ngày, hoặc vài canh giờ, thì đến"/ "Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng rãi, nước trong suốt đáy. Bên đảo có vô số yến sào, các thứ chim có đến hàng nghìn hàng vạn thấy người thì vòng quanh không tránh. Bên bãi, vật lạ rất nhiều...".

Đấy là những điều từ quan sát trực tiếp mà viết về Hoàng Sa - Trường Sa, ngày ấy còn hoang vu, chỉ duy nhất có "họ Nguyễn" - theo cách gọi của Lê Quý Đôn, để chỉ chính quyền do các chúa Nguyễn tổ chức ở "Xứ Đàng Trong" của nước Đại Việt - chiếm lĩnh và khai thác vào thời gian từ trước khi sách "Phủ biên tạp lục" của họ Lê ra đời: "Trước, họ Nguyễn đặt Đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh xung vào, cắt phiên mỗi năm cứ đến tháng hai thì nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến".

Những "Đội Hoàng Sa" do chính quyền các chúa Nguyễn tổ chức, sau khi "nhận giấy sai đi" như thế, hằng năm bắt đầu xuất phát ra Hoàng Sa từ tháng Hai, đến tháng Tám thì trở về, làm đầy đủ thủ tục với Nhà nước ở Thủ phủ Phú Xuân, trong đó có việc "lĩnh bằng" hoàn thành nhiệm vụ. Cuộc sống và kết quả công vụ chiếm lĩnh và khai thác Hoàng Sa của họ, từ trước năm 1776, đã được Lê Quý Đôn mô tả như sau: "Ở Hoàng Sa, họ tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu (thuyền các nước ngoại phiên bị bão dạt vào) như là: Gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, hàng len dạ...; cùng là tự kiếm lượm được: Vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân... rất nhiều"/ "Tới kỳ tháng Tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để giao nộp (những thứ lấy được), cân và định hạng xong, mới được cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm... rồi lĩnh bằng trở về (nguyên quán)".

Những kết quả của việc chiếm lĩnh và khai thác Hoàng Sa - Trường Sa từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu, có niên đại như thế là từ đầu thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18, nhờ có công đoạn nghiên cứu "xét xem lệ cũ" của Lê Quý Đôn, đã vào được quyển hai của sách "Phủ biên tạp lục", thành những dòng như sau: "Tôi đã xem sổ của chức cai đội thời trước là Thuyên Đức Hầu, thì thấy biên rằng: Năm Nhâm Ngọ, lượm được 30 hốt bạc, năm Giáp Thân được 5.100 cân thiếc, năm Ất Dậu được 126 hốt bạc, từ năm Kỷ Sửu đến năm Quý Tỵ (trong 5 năm) chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba thôi".

Có thể, đối với một số người, đó là một kết quả khai thác kinh tế còn nghèo nàn. Nhưng, đối với tất cả mọi người, thì đây lại là dấu hiệu quan trọng, vì xác đáng và xác thực, minh chứng việc thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa của nước Việt. Như đến việc thế kỷ 19 - Giám mục Giăng Lu-ít Ta-béc-dơ đã viết về Hoàng Sa - Trường Sa với tên gọi là "Pracel - Paracels", trong cuốn sách "Ghi chép về địa dư Xứ Đàng Trong" rằng: "Quần đảo Pracel hay Paracels là một khu vực chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát...

Những người dân Xứ Đàng Trong gọi khu vực đó là Cồn Vàng. Mặc dù rằng, hình như loại quần đảo này chỉ có độc những tảng đá ngầm mà không có gì khác và độ sâu của biển thì chỉ hứa hẹn những điều bất tiện hơn là sự thuận lợi, nhưng Gia Long vẫn nghĩ rằng nhà vua đã tăng cường được quyền quản lý lãnh thổ của mình, bằng sự sáp nhập tội nghiệp đó. Vào năm 1816, nhà vua đã tới, long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc chắn là sẽ không có một ai tìm cách tranh giành với ông ta cả!".

GS Lê Văn Lan

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hoang-sa-truong-sa-ong-cha-ta-khai-thac-giu-gin/