Hoang phế di tích lịch sử địa đạo Kim Long

Sau 25 năm được công nhận Di tích lịch sử quốc gia, địa đạo Kim Long (xã Kim Long, H.Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) đã qua 4 lần tu sửa và đến nay thì trở thành... phế tích.

Khu nhà chờ đơn giản, chỉ có 2 bộ bàn ghế đá - Ảnh: Nguyễn Long

Ông Huỳnh Dư, Bí thư xã Kim Long, cho biết địa đạo Kim Long được hình thành từ năm 1962 - 1964, với chiều dài 2 km, xuyên qua nhà ở, vườn cây ăn trái, có 12 cửa lên xuống. Trong địa đạo có đầy đủ công sự chiến đấu, phòng họp, trạm y tế, kho lương thực, vũ khí… Nhờ có địa đạo này mà bộ đội và du kích đã bám trụ để hoạt động, duy trì, xây dựng và phát triển phong trào cách mạng, đồng thời tổ chức chống trả các đợt càn quét và gom dân của Mỹ - Diệm. “Đây là 1 trong 3 địa đạo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và nằm trong hệ thống địa đạo ở miền Đông Nam bộ, có ý nghĩa góp phần vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”, ông Dư cho hay.

Di tích địa đạo Kim Long được Bộ Văn hóa xếp hạng 1 Di tích cấp quốc gia năm 1994. Diện tích khuôn viên khu di tích khoảng 1.000 m2 do nhà nước quản lý, còn lại đa phần đường hầm hiện nay đều nằm trên diện tích đất do các hộ dân đang canh tác và sử dụng.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin H.Châu Đức, di tích địa đạo Kim Long đã qua 4 lần được trùng tu, sửa chữa vào các năm 1996, 2001, 2012 và 2014, tuy nhiên hiện nay khu di tích không có bất kỳ dịch vụ nào để phục vụ du khách và gần như không có người tham quan. Đường vào địa đạo nhỏ và bằng đất nên đi lại khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến việc tham quan và học tập của nhân dân trong huyện.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại địa đạo chỉ có 1 nhà bảo vệ nhưng không người trông giữ, 1 nhà dừng chân rộng khoảng 50 m2. Trong nhà chờ này chỉ có 2 bộ bàn ghế đá. Một dãy nhà vệ sinh phía sau nhà chờ đóng cửa không mở được, bồn rửa tay thì nằm lăn lóc dưới đất... Điều đáng nói, tại đây cũng không có một thuyết minh viên nào.

UBND H.Châu Đức cho biết hiện chỉ có 4 miệng hầm được bảo tồn, trong đó miệng hầm số 4 đã bị lấp. Các đường hầm từ miệng số 1, 2, 3 đến hầm chỉ huy vẫn có thể di chuyển nhưng do không được tu bổ thường xuyên dẫn đến một số nơi không còn nguyên hiện trạng. Đường hầm từ miệng số 3 đến số 4 không thể di chuyển.

Được biết, năm 2018, UBND H.Châu Đức có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nâng cấp, cải tạo di tích địa đạo Kim Long với các khối công trình mới gồm đền thờ, nhà lưu niệm - quản lý di tích, nhà chờ - căn tin, khu trưng bày tái hiện di tích và các hạng mục khác với kinh phí khoảng 60 tỉ đồng.

Nguyễn Long

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/hoang-phe-di-tich-lich-su-dia-dao-kim-long-1059276.html