Hoàng Nhuận Cầm từng bị thi ca 'hành hạ' như thế nào?

Quyết giành giải thưởng để không phải 'bù lỗ' tiền vay nợ in thơ, vắt kiệt mình vì sáng tạo và kiếm sống, số đào hoa… là những chuyện về nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm được bạn thơ của ông, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến kể lại.

 Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (trái) và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong Ngày Thơ Việt Nam

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (trái) và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong Ngày Thơ Việt Nam

Ngày 20/4/2021, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã giã biệt cõi đời. Cách đây gần ba chục năm khi nhà thơ in tập thơ Xúc xắc mùa thu (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1992), tôi đã được chứng kiến những thời khắc thăng hoa nhất của anh với thi ca khi chuẩn bị in tập thơ này.

Nhắm thơ với rượu suốt đêm

Ngày ấy, căn buồng nhỏ của gia đình Cầm nằm tận phía trong cùng một khu nhà ở phố Hàng Bún. Căn buồng chưa được chục mét vuông lại nằm ngay cạnh nhà vệ sinh tập thể của cả xóm, nên cảm hứng thơ của "Bác sĩ Hoa Súng" nhiều khi bị dập tắt bởi mùi xú uế thoang thoảng bay sang. Bạn bè đến chơi, ngồi bệt xuống nền nhà nhơm nhớp nước, căn buồng luôn mù mịt khói thuốc lào. Hình như Cầm phải lấy khói thuốc lào xua đi mùi ô nhiễm của căn buồng chật chội và cứ chốc chốc, tôi lại thấy anh xách xô nước, dội ào ào vào cái chuồng xí tập thể cạnh đấy để cho nó bớt nồng nặc.

Những tháng năm ấy, sống khổ như vậy nên tôi thấy thơ anh bắt đầu đi vào những dằn vặt của kiếp người. Anh suốt ngày rượu bia và luôn nói về "cái chết của thi ca" và "cái chết của những người lao lực vì phải viết để kiếm sống".

Một tối đến chơi nhà anh, tôi thấy Hoàng Nhuận Cầm đang bị "thơ hành". Người sặc sụa mùi rượu và mùi thuốc lào, anh ngồi cạnh chai rượu gần cạn đáy, mồm lẩm bẩm mấy bài thơ mới viết, trong đó có câu: "Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé/Một trưa nào như trưa mùa Thu/Chiến hào năm thằng lăn ra ngủ/Tôi giật mình - tiếng đại bác ru/ Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé/Một tối nào như tối mùa Đông/Chiều thứ bảy quán cà phê vắng/Chủ quán buồn, hỏi: Có buồn không?/Nếu tôi chết/Tốt hơn, đừng chết!/Ai sẽ phục sinh Em... trong những tối không chồng". Tôi chọc Cầm: "Theo tớ, cậu nên thêm vào một câu thơ cuối nữa thì bài sẽ hoàn chỉnh hơn: "Ai sẽ phục sinh Anh trong những tối thất tình" thì hợp với hoàn cảnh của cậu hơn vì hiện tại cậu đang cô đơn trong căn phòng "Gió em vào nếu chán gió lại ra" giống câu thơ định mệnh của cậu!".

Nghe tôi nói, Cầm hằm hè nhìn tôi, cầm chén gõ vào cái chai không côm cốp mấy cái liền, mắt lườm lườm như hai họng súng. Tôi xoa dịu bạn: "Tớ hiểu rồi, ai sẽ phục sinh thơ trong những tối rượu không còn, tớ sẽ đi kiếm cho cậu một chai nút lá chuối chính cống nữa nhá!". Cầm liền cười tươi: "Ông ra cuối phố, mua chai rượu quê ở cái quán nước của bà Ba Béo cạnh hàng bà cháo sườn ấy nhé, bảo là mua cho "Bác sĩ Hoa Súng" thì họ mới đưa thứ rượu không pha phách, hiểu chưa?".

Một lúc sau, tôi cầm chai rượu về, đã thấy Hoàng Nhuận Cầm bày la liệt cả chục tập thơ ra nền nhà. Tôi xua tay: "Thôi, không nhắm thơ với rượu nữa, tớ mua mấy cái nem và lạc rang đây rồi". Cầm trợn mắt quát: "Tối hôm nay, tôi hẹn ông đến đây có việc rất quan trọng đối với thi ca chứ không phải chỉ có chuyện rượu chè lươn khươn, ông hiểu không? Tôi cảm ơn ông vì chai rượu và món đồ nhắm nhưng bây giờ ta phải vào cuộc ngay.

Nói rồi "Bác sĩ Hoa Súng" thận trọng giở từng tập thơ để dưới sàn nhà, toàn là thơ của các nhà thơ nổi tiếng như Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Trúc Thông, Hoàng Hưng, Bế Kiến Quốc, Y Phương, Ý Nhi, Ngô Thế Oanh… Thơ bày ra nền nhà như một cuộc "duyệt binh" thi ca vậy.

Tập thơ "Xúc xắc mùa thu" của Hoàng Nhuận Cầm

Với vẻ mặt đầy quan trọng, Cầm nói khẽ như sợ người ngoài nghe thấy: "Tớ sắp in tập thơ Xúc xắc mùa thu nên bây giờ phải nghiên cứu kỹ các "chiêu thức" của từng nhà thơ này, xem họ bố cục mỗi tập thơ của họ ra sao, họ chơi thơ theo kiểu gì, bài thơ nào đưa lên đầu tập để gây ấn tượng, bài thơ nào cho xuống cuối tập để gây bất ngờ. Mỗi lần in thơ là một trận đánh, cậu hiểu không, phen này tớ quyết chí giành giải thưởng Hội Nhà văn bằng tập thơ sắp in này". Nói xong Cầm rót rượu ra chén, chúng tôi cụng chén chúc cho tập thơ vào giải thưởng vì "Bác sĩ Hoa Súng" nghèo quá, phải vay nợ lung tung để lấy tiền in thơ, nếu không có tiền giải thưởng, sẽ lỗ to.

"Trấn yểm" cho tập thơ "Xúc xắc mùa thu"

Nhâm nhi được vài chén, chợt nhớ ra điều gì không ổn, tôi vỗ vai bạn đánh độp: "Nhưng tập thơ của cậu nghe chừng sái lắm, u ám lắm, có đến gần chục bài thơ toàn viết về chết chóc với giọng trì triết, bất cần đời. In ra không khéo bị cánh phê bình đập cho xôi hỏng bỏng không, rồi đám "nhìn gà hóa cuốc" vạch bèo xem bọ họ đòi tịch thu thì tập thơ của cậu coi như "xong phim", phải tính cho kỹ đi".

Cầm ngó trước, nhìn sau như buôn hàng cấm, cười thì thầm: "Tớ có cách giải mã rồi, tên tập thơ là Xúc xắc mùa thu mà viên xúc xắc dùng để chơi bài, chơi bạc, cậu biết rồi. Vậy đây là một "canh bạc thơ" dành cho độc giả mà tớ là nhà cái, tớ cầm trương, nên tớ luôn ở thế thắng. Không những thế, ở bìa cuối tập thơ tớ còn một chiêu "trấn yểm" có một không hai, cậu xem đây, tớ sẽ in tấm ảnh chụp lúc tớ vừa mới ra đời, thằng bé Cầm chưa đầy 1 tuổi, nằm trần truồng, mồm cười toét, chân tay khua khoắng lung tung, chim cò tơ hơ. Tấm ảnh "ngày sinh" này sẽ xua tan mọi u ám, chết chóc, mọi điều không hay về tập thơ này".

Sau đó, Cầm ghé tai thân mật, đề nghị tôi với tư cách bạn bè viết mấy bài giới thiệu tập thơ Xúc xắc mùa thu in trên các báo nhằm "định hướng dư luận văn chương" ở Hà Nội. Tôi cười: "Điều quan trọng là thơ cậu có hay không, có chinh phục được độc giả không? Còn viết giới thiệu các tập thơ là chuyện thường ngày tớ vẫn viết cho các báo. Tớ sẽ ủng hộ cậu, nhưng xem ra trong chuyện thi ca, cậu không điên chút nào cả, cậu tỉnh táo và tinh tường lắm!", tôi cười hề hề.

Hôm sau, tôi nói lại chuyện này với nhà thơ Hữu Việt, người cũng chơi khá thân với "Bác sĩ Hoa Súng". Hữu Việt cười khì: "Ông này không điên thật đâu!". Năm đó, tập thơ Xúc xắc mùa thu được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và người ủng hộ Hoàng Nhuận Cầm nhiều nhất trong BCH Hội Nhà văn Việt Nam chính là nhà văn Hữu Mai (bố nhà thơ Hữu Việt).

"Vua thơ sinh viên" với những nỗi niềm, trằn trọc

Có điều, thi ca đối với Hoàng Nhuận Cầm vẫn là một thế giới "Mắt trong leo lẻo nỗi buồn ngàn xưa" nên nó phải ngâm nga, thánh thót nhạc điệu như ru, như vỗ về để đánh thức người nghe, người đọc. Thứ thơ ấy, khó ai viết giỏi hơn Cầm. Tôi đồ rằng, thơ đương đại nước ta có hai thi nhân tạm gọi là "vua". Đó là "vua thơ trẻ em" Trần Đăng Khoa và "vua thơ sinh viên" Hoàng Nhuận Cầm. Đố ai viết thơ trẻ con giỏi như Khoa lúc còn là thần đồng chục tuổi. Và, cũng đố ai viết thơ tuổi sinh viên hay hơn Cầm cách đây ba chục năm.

Hoàng Nhuận Cầm ở trong số rất ít những thi sĩ của thế hệ anh đã định hình một phong cách riêng. Thơ anh có lớp độc giả đông đảo, nhất là sinh viên và cái chất hồn nhiên Hoàng Nhuận Cầm đã ngấm vào cách biểu đạt thi ngữ trong thơ anh. Những câu thơ có sức lôi cuốn, ám ảnh: Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ/Gió em vào - nếu chán - gió lại ra/Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới/Như cách chim trong mắt của chân trời.

Những năm trước đây, thơ Hoàng Nhuận Cầm có một vị trí khá đặc biệt trong sự mến mộ của sinh viên và giới trẻ. Những câu thơ lấp lánh về tuổi học trò của những kỷ niệm tuổi thơ trong sáng đã làm nên gương mặt thi ca anh thời ấy. Nhưng đến tập thơ Xúc xắc mùa thu in năm 1992, những câu thơ ấy đã nhường chỗ phần nào cho sự chiêm nghiệm những nỗi niềm, tâm trạng của tháng năm đã trằn trọc âm thầm và rớm máu trong sáng tạo và mưu sinh của anh: Ta đã thực vào đời bằng nước mắt/Để con ta mơ mộng ngủ bên đàn/Ta đã đi như mèo trên phố vắng/Gọi tên con như gọi các thiên thần/Có một nốt con không hề biết tới/Là nốt buồn cha đã nuốt thay con.

Thi sĩ đào hoa

Liên quan đến chuyện phiêu lưu tình ái của "Bác sĩ Hoa Súng", có một ông bạn thơ rất tâm đắc với câu thơ "Những chuyện tình như súng liên thanh" và bảo tôi: "Thơ là người và người là thơ, bác ạ! Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm của chúng ta trông gầy yếu, èo uột như thế mà khỏe phết. Hôm mới rồi trong Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thấy ông ấy cứ nhảy qua lại trên sân khấu từ góc này sang góc kia với vẻ mặt rất căng thẳng, quan trọng khi đọc thơ thì không ai bảo đấy là một ông thơ "lão thành" đã có… mấy bà vợ và bốn đứa con. Cứ nhìn ông ấy đọc thơ như diễn trên sân khấu là các chị em yêu thơ ở phía dưới "Thi trường" bỗng thấy xôn xao, rạo rực lạ thường.

Còn trong các đêm thơ sinh viên thì ông ấy là "vua không ngai" khi các "fan" hâm mộ thơ ông vỗ tay, gào thét, phát cuồng vì thi ca tuổi mơ mộng học trò, sinh viên. Hóa ra "Bác sĩ Hoa Súng" khi đọc thơ có một ma lực ám ảnh lạ thường. Tài hoa như thế mà không nhiều em mê mới là chuyện lạ!".

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong buổi giao lưu ở Bắc Giang ngày 18/4/2021, chỉ 2 ngày trước khi ông qua đời

Tôi vội giải thích ngay cho người bạn nói trên: "Đúng ra, nếu đổ tội cho Hoàng Nhuận Cầm có số đào hoa nên mới có nhiều người tình đến thế thì cũng thật oan uổng cho anh. Thật ra, Cầm không phải là người "sớm mơ chiều mận" nay cô này, mai cô khác đâu! Nhưng cái số của anh là số thi sĩ đào hoa nên chị em mê mẩn thơ cứ chạy theo anh hàng đàn, gạt đi không hết.

Theo tôi biết, Cầm vốn là người đứng đắn, thủy chung lắm, nhưng anh lại là người khó tính đến bất thường và luôn luôn phải vắt kiệt mình cho lao động sáng tạo ở cả lĩnh vực thi ca và điện ảnh, phải liên tục viết kịch bản, đóng phim, đóng kịch và viết báo để kiếm sống nên không ít khi anh đã phát khùng vì lao động nghệ thuật quá tải. Và chỉ sau một thời gian yêu thương nhau tha thiết, các người đẹp mới vỡ mộng vì chiều chuộng anh không nổi và sẽ đến một ngày như nhà thơ - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ngậm ngùi: Những người tình lặng lẽ bỏ anh đi như những dòng sông nhỏ…".

Nghe tôi phân trần, người bạn thơ chia sẻ: "Thật ra, có ở gần mấy ông làm nghệ thuật, mấy nhà thơ đích thực mới biết, họ đều ở dạng "tâm thần phân liệt" luôn luôn bị kích động bởi cá tính sáng tạo, luôn luôn phải sống trong tình trạng nửa tỉnh, nửa mê như thế thì mới có được những tác phẩm nghệ thuật để đời. Và bởi thế, sống cạnh họ đôi khi là một cực hình đối với người bình thường vì những cái tinh tế nhất, đẹp đẽ nhất họ đã dâng hiến cho thi ca, cho nghệ thuật và cái còn lại chỉ là "phần bã" của những khoảnh khắc thăng hoa sáng tạo. Nên những người yêu của các nhà thơ, nếu đam mê thi ca của họ là lẽ đương nhiên thường thấy, nhưng nếu yêu tới mức muốn gắn bó với các nhà thơ, muốn sống gần họ thì đấy là một thử thách lớn không dễ gì vượt qua!".

Nguyễn Việt Chiến

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hoang-nhuan-cam-tung-bi-thi-ca-hanh-ha-nhu-the-nao-20210425114803074.htm