Hoang mang dịch cúm A hoành hành ngày Tết, Bộ Y tế khẳng định không thiếu thuốc Tamiflu

Người dân Hà Nội đang rất hoang mang sợ hãi vì cho rằng dịch cúm A/H1N1 đang hoành hành, thuốc Tamiflu điều trị bệnh lại cạn kiệt, nhưng sự thực không phải như vậy.

Thời gian gần đây số người lớn và bệnh nhi mắc cúm A/H1N1 đang tăng khá nhanh với nhiều ca mắc.

Ghi nhận tại một số bệnh viện ở Hà Nội như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương... số bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 tăng khá nhanh. Nhiều bệnh nhi biển hiện bệnh khá nặng phải nhập viện điều trị nhiều ngày.

Trên mạng xã hội facebook, nhiều ông bố bà mẹ chia sẻ về tình trạng bệnh của con em mình và than thở về tình trạng thiếu thuốc Tamiflu, mua thuốc với giá đắt cắt cổ để trị bệnh.

Không thiếu thuốc Tamiflu điều trị cúm.

Tuy nhiên, chiều 13/2, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định: "Không thiếu thuốc Tamiflu điều trị cúm. Hiện, thuốc Tamiflu đủ để cung ứng cho nhu cầu sử dụng của người bệnh".

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết: "Thuốc Tamiflu chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg không phải thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

Thuốc Tamiflu được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, theo quy định hiện hành, Tamiflu được nhập khẩu mà không phải thực hiện việc cấp phép nhập khẩu nên không bị giới hạn về số lượng thuốc nhập khẩu và được nhập khẩu theo nhu cầu thị trường".

Tuy nhiên, trước tình trạng nhiều người dân tự tìm mua thuốc Tamiflu về dự phòng ông Đông khuyến cáo: Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

Người dân khi thấy có dấu hiệu bệnh cúm thì nên tới cơ sở khám chữa bệnh thăm khám và điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, đại diện Cục quản lý Dược khuyên, cách tốt nhất để phòng cúm là nên đến cơ sở tiêm chủng để tiêm vắc xin phòng cúm mùa hàng năm.

Để chủ động ứng phó với dịch cúm, không để dịch lan rộng kéo dài, gây quá tải, cũng như tình trạng lây chéo trong bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các địa phương khẩn trương đẩy mạnh việc tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cúm; phát hiện sớm, cách ly, điều trị tại nhà, đến cơ sở y tế khi có diễn biến nặng.

Trấn an mối lo lắng của người dân trước tình hình bất thường của dịch cúm A trước Tết, bác sĩ Nguyễn Hồng Phong chia sẻ: "Mấy ngày gần đây mình đi trực có nhiều em bé bị cúm và vô hình chung, các mẹ đang sợ cúm. Đợt sởi cũng vậy, đợt sốt xuất huyết cũng vậy, sự hoang mang, lan truyền còn đáng sợ hơn cả bệnh thực sự. Tôi mong những chia sẻ sau đây góp phần bớt đi sự hoang mang, sợ hãi của các ông bố bà mẹ".

Theo bác sĩ Phong, cúm cũng do virus gây ra. Sốt do cúm cũng biểu hiện tương tự như các loại virus thông thường khác. Viêm đường hô hấp trên, sốt cao từng cơn liên tục, mỏi mệt... và không có điều trị đặc hiệu với virus.

Khi con bạn bị bệnh hãy bình tĩnh cho con hạ sốt, uống từng thìa sữa một, từng thìa nước và nước điện giải sau đó cho con đi khám và nhận tư vấn của bác sĩ.

Các mẹ đừng tự ý mua thuốc cho con uống, đừng tự ý mang con đi truyền.

Nếu thấy con tím tái, co giật, con bỏ hẳn ăn, môi nhợt, hạ nhiệt độ, sốt cao liên tục kèm theo dấu hiệu thở nhanh, ho liên tục... thì phải nhập viện để điều trị kịp thời.

Video: Bác sĩ cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân

Thu Nguyên

Nguồn VTC: https://vtc.vn/hoang-mang-dich-cum-a-hoanh-hanh-ngay-tet-bo-y-te-khang-dinh-khong-thieu-thuoc-tamiflu-d381548.html