Hoang mang bức tranh việc làm

'Chủ tịch TPHCM: '60% sinh viên làm việc trái ngành, lãng phí lớn'', 'Nhiều sinh viên ra trường chỉ có thể chạy xe ôm'... là những tựa báo tường thuật hội thảo Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp được tổ chức mới đây.

Nhiều bài báo đã trích lời TS. Đinh Công Khải dẫn nhiều nguồn khảo sát cho biết hiện có khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành, thậm chí nhiều sinh viên còn làm lắp ráp linh kiện điện tử, công nhân may ở các khu công nghiệp. Phổ biến nhất hiện nay là sinh viên chạy xe ôm công nghệ.

Còn theo Báo cáo Lao động việc làm của Tổng cục Thống kê (hiện có tới quí 2-2018), tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi rất cao, tới 7,1%, gấp hơn ba lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung 2%. Số lao động thất nghiệp thanh niên hiện đã chiếm tới 46,5% tổng số lao động thất nghiệp cả nước. Nếu xem xét tình trạng thất nghiệp theo trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt được, trong quí 2-2018, có tới hơn 26,7% số lao động thất nghiệp cả nước là lao động đã qua đào tạo chuyên nghiệp hoặc nghề từ ba tháng trở lên. Trong đó, nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 43,7% tổng số lao động thất nghiệp nhóm này (gần 127.000 người).

Người trẻ trải qua đào tạo thất nghiệp nhiều nhất! Những con số thống kê này không chỉ đáng báo động dưới góc độ bức tranh cơ cấu lao động việc làm quốc gia, nó còn là phép đo lường định lượng rõ ràng nhất về hiện trạng giáo dục đào tạo.

Nguyên nhân của tình trạng này đã được nhiều người chỉ ra từ trước tới nay, không mới. Đó là do sự thiếu liên kết, hợp tác giữa bên cung - nhà trường và bên cầu - doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp luôn than phiền khó tuyển được người phù hợp; do sự mất cân đối cung - cầu, do chất lượng đầu ra... Mới chăng ở chỗ, TS. Khải chỉ ra, những thứ hiện không có trong giáo trình nhà trường, thuộc về nội tại của sinh viên, cũng là nguyên nhân: sự thụ động trong tìm kiếm việc làm, thiếu linh hoạt, nhạy bén khi đi tìm việc, thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, lập kế hoạch...

Giải pháp theo đó cũng không mới. Vấn đề là bắt đầu lại như thế nào. Trong khi chúng ta vẫn còn đang loay hoay với việc xác định hay xác định lại triết lý giáo dục thì thực trạng “lãng phí” tiền bạc, thời gian, cơ hội... ngày một lộ ra trước mắt, trong tràn ngập hình bóng sinh viên chạy Grab. Grab không phải là vấn đề, Grab mở ra cơ hội nghề nghiệp cho nhiều người, nhưng nghề nghiệp đó không cần đến trình độ đại học.

Hội thảo nói trên được tổ chức khi cả nước đang bước vào mùa tư vấn tuyển sinh. Nhưng cũng như mọi năm, ý nghĩa của hoạt động này thường chỉ giới hạn trong việc các trường đại học, cao đẳng giới thiệu mình là ai, có thể dạy gì để cạnh tranh thu hút học sinh. Hướng nghiệp, phân luồng đào tạo đích thực cho các em phải được tiến hành từ sớm hơn và không chỉ bằng hoạt động này. Phải làm sao để các em biết được sau khi học mình cần gì để có thể gia nhập thị trường lao động, thị trường đó khốc liệt như thế nào. Trong khi cải cách chương trình giảng dạy có thể là một quá trình tốn nhiều thời gian, thì ngay trước mắt, các em cần biết rằng tính chủ động, kỹ năng mềm... là rất quan trọng và có thể tự rèn luyện từ sớm, có hoặc không có sự hỗ trợ từ nhà trường.

Bức tranh lao động việc làm không tươi sáng này là ở thì hiện tại. Nếu không sửa ngay những trục trặc, sẽ không có cơ sở nào để ta có thể hy vọng ở tương lai.

Tuần rồi báo Tuổi trẻ làm một chuyên đề về bức tranh việc làm tương lai, trong đó nhấn mạnh thị trường việc làm thế giới trong giai đoạn 2019-2022 ưu tiên kỹ năng công nghệ và giới thiệu những công ăn việc làm của tương lai. Trong đó, có những việc nhiều người trong chúng ta không tưởng tượng ra được chứ chưa nói gì đến chuyện các trường thiết kế đào tạo như thế nào.

Nguyên Lê

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/284260/hoang-mang-buc-tranh-viec-lam.html