Hoảng hồn cảnh người đàn ông bị rắn cạp nia bò lên giường tấn công lúc đang ngủ

Người đàn ông đang ngủ thì bị con rắn cạp nia bò lên giường và cắn vào sườn trái, 2 giờ sau, ông có cảm giác đau mỏi người, nặng mí, sưng phù mặt, cứng hàm...

Ngày 25/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết vừa cấp cứu một bệnh nhân bị rắn độc cắn. Cụ thể, nam bệnh nhân 37 tuổi, trú tại phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn, bị một con rắn dài bò lên giường, cắn vào sườn trái. Qua kiểm tra, nhân viên y tế xác định đây là rắn cạp nia với đặc điểm phần thân khúc trắng, khúc đen.

Tại bệnh viện, bác sĩ đã đưa huyết thanh vào cơ thể người bị rắn cắn. Rất may, người đàn ông không bị ảnh hưởng đến tính mạng.

Sau đó, người nhà xin chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để tiếp tục điều trị.

Cạp nia là một trong những loài rắn cực độc. Ảnh minh họa

Cạp nia là một trong những loài rắn cực độc. Ảnh minh họa

Được biết, trước đó, tại Quảng Ninh, một người đàn ông 52 tuổi đang ngủ dưới sàn nhà thì cảm giác vật gì đó trườn qua người, thức dậy soi đèn phát hiện rắn cạp nia.

Con rắn dài khoảng 20 cm. Kiểm tra cơ thể không thấy vết rắn cắn, ông đi ngủ tiếp. Hai giờ sau, ông có cảm giác đau mỏi người, nặng mí, sưng phù mặt, cứng hàm, nói khó... Người nhà đưa ông đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cấp cứu, ngày 29/7.

Bệnh nhân nhập viện với biểu hiện bứt rứt khó chịu, nặng mí, nhìn mờ... Các bác sĩ thăm khám toàn trạng, khai thác tiền sử bệnh, tiến hành các xét nghiệm, chẩn đoán rắn độc cắn.

Người bệnh thở máy, điều trị tích cực... sau 4 ngày, sức khỏe cải thiện, tự thở, rút nội khí quản.

Rắn độc cắn là một trong những tai nạn xảy ra nhiều từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm (mùa sinh sôi, phát triển của rắn độc). Việt Nam có khoảng 60 loại rắn độc, trong đó rắn cạp nia là một trong những loại rắn độc nhất.

Hầu hết trường hợp bị rắn độc cắn sẽ xuất hiện tình trạng suy hô hấp do liệt cơ, xuất huyết do rối loạn đông máu, hoại tử... có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Việc xác định được vết rắn cắn rất khó khăn, thường không có dấu vết rõ ràng, đôi khi chỉ có 2 vết móc nhỏ như đầu kim, đặc biệt với rắn cạp nia thì móc rất nhỏ. Các bác sĩ cho biết rất may người bệnh được đưa đến viện kịp thời nên điều trị kết quả khả quan.

Các bác sĩ khuyến cáo tại nơi cư trú, người dân cần dọn dẹp, phát quang bụi rậm, thường xuyên kiểm tra nhà cửa. Cần cảnh giác với rắn, đặc biệt là các loại rắn độc trong mùa mưa lũ, mùa gặt và ban đêm, nếu đi ban đêm cần có đèn soi. Cần mắc màn khi ngủ, không ngủ dưới đất vì rắn hay lui tới những chỗ ẩm thấp. Không nên lật tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây đổ bằng tay trần...

Nếu không may bị rắn cắn, cần sơ cứu người bị nạn, không để người bệnh tự đi lại, bất động vị trí bị cắn (có thể bằng nẹp). Để bộ phận có vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim... và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Vũ Đậu (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/hoang-hon-canh-nguoi-dan-ong-bi-ran-cap-nia-bo-len-giuong-tan-cong-luc-dang-ngu-a336387.html