Hoằng Hóa - Điện Bàn: Mối lương duyên nghĩa nặng tình sâu

Gần 60 năm qua, mối tình ấy luôn được đảng bộ, nhân dân 2 địa phương vun đắp, giữ gìn và phát triển. Ở mỗi thời kỳ lịch sử đều để lại nhiều dấu ấn không thể nào phai về tình cảm đắng cay, ngọt bùi chia sẻ; gian nan, hoạn nạn, vui buồn có nhau, 'Hoằng Hóa khó khăn, Điện Bàn có mặt – Điện Bàn khó khăn, Hoằng Hóa chung vai'.

Huyện Điện Bàn tặng tượng Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoằng Hóa nhân dịp kỷ niệm 55 năm kết nghĩa Hoằng Hóa – Điện Bàn. Trong ảnh: Tượng Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hiện đang được đặt tại khuôn viên Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã Hoằng Quỳ. Ảnh: Việt Hương

Năm 1963, cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam bước vào giai đoạn mới. Ở miền Nam tiền tuyến, ngay đầu năm, vào ngày 2 -1 tại Ấp Bắc, quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã đánh thắng quân đội Sài Gòn có cố vấn Mỹ chỉ huy, đánh dấu sự thất bại của chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Cuối năm, vào ngày 1 - 11 đã diễn ra cuộc đảo chính lật đổ Diệm - Nhu do Mỹ dàn dựng để thực hiện việc “thay ngựa giữa dòng”.

Ở miền Bắc hậu phương, trong thời gian này đã dấy lên phong trào “Vì miền Nam ruột thịt”, trong đó có hoạt động kết nghĩa giữa các thành phố, các tỉnh, các huyện miền Bắc với các thành phố, các tỉnh, các huyện miền Nam. Hưởng ứng phong trào đó, ngày 20-7-1963, huyện Hoằng Hóa đã tổ chức lễ kết nghĩa với huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn). Sau lễ kết nghĩa đó, Đảng bộ và nhân dân huyện Hoằng Hóa đã sát cánh cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng bào Điện Bàn anh em. Mỗi tên đất, tên người, mỗi chiến thắng từ Điện Bàn đều là niềm vui, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn thúc giục quân, dân Hoằng Hóa trên mặt trận sản xuất và chiến đấu. Tại huyện Hoằng Hóa lúc bấy giờ, nhiều phong trào hướng về Điện Bàn anh em đã được phát động và mang lại hiệu quả thiết thực, như: “Nhớ miền Nam, xây dựng miền Bắc”, “Phụ nữ Điện Bàn đấu tranh chống Mỹ – phụ nữ Hoằng Hóa cấy nhanh, cấy khéo”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... Từ các phong trào ấy, nhiều công trình mang tên Điện Bàn đã xuất hiện, như: “Cánh đồng Điện Bàn”, “Vườn cây Điện Bàn”, “Đội cấy Điện Bàn”, “Công trình Điện Bàn”, “Bèo hoa dâu Điện Bàn”... Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, huyện Hoằng Hóa đã lập nên những chiến công đi vào lịch sử, như: Chiến công của các cụ dân quân Hoằng Trường bắn rơi 2 máy bay “thần sấm”, “con ma” của Mỹ bằng súng bộ binh; 75 dũng sĩ Yên Vực đội mưa bom, bão đạn của kẻ thù băng qua sông tải đạn, góp phần làm nên chiến thắng Nam Ngạn - Hàm Rồng; các trung đội nữ dân quân Hoằng Trường, Hoằng Hải bắn rơi máy bay Mỹ... Hàng vạn người con huyện Hoằng Hóa đã hăng hái lên đường vào Nam, trong đó có Điện Bàn để trực tiếp chiến đấu. Gần 200 con em Hoằng Hóa trong Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn đồng cam, cộng khổ, nằm hầm, ngủ đất, kề vai, sát cánh chia lửa với quân dân Điện Bàn, thi đua giết giặc lập công, làm rạng ngời truyền thống “Quảng Nam trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

Như được tiếp thêm sức mạnh từ người anh em ở hậu phương, ngay từ năm 1964 cả Điện Bàn đồng khởi đứng dậy diệt ác, phá kèm, giải phóng 7/21 xã, từng bước tiến lên mở rộng các vùng giải phóng, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ đây, toàn huyện Điện Bàn dấy lên phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, thành lập “Vành đai du kích diệt Mỹ”. Các “Đội quyết tử”, các “tay súng thần kỳ”, phong trào “Tuổi nhỏ, trí lớn, làm việc anh hùng”... đã góp phần tạo nên sức mạnh to lớn của cuộc chiến tranh nhân dân, lập nên nhiều chiến công vang dội, đưa sự nghiệp giải phóng Điện Bàn, giải phóng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn gặp muôn vàn khó khăn: 10.000/12.000 ha đất canh tác bị hoang hóa, đầy rẫy bom mìn. Nhà cửa, làng xã hầu như điêu tàn, 97/114 thôn bị cày ủi sạch, trong 30.000 người từ thành phố trở về quê hương thì có tới 20.000 người trong diện cứu đói, hơn 56.000 người chết và bị thương, 5.000 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa. Trong muôn vàn khó khăn đó, mối tình kết nghĩa sắt son, thủy chung trong chiến đấu lại tiếp tục được bồi đắp và ngày càng sâu nặng, gắn bó. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Điện Bàn, toàn huyện đã tích cực hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, từng bước xây dựng cuộc sống mới trong những năm đầu giải phóng. Huyện Hoằng Hóa đã cử nhiều cán bộ vào giúp đỡ Điện Bàn trên các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục; tăng cường một số cán bộ cùng với quân dân Điện Bàn tiếp quản vùng giải phóng, xây dựng HTX nông nghiệp... Bước vào thời kỳ đổi mới, Điện Bàn lại tiếp tục nhận được những tình cảm nồng ấm, sự sẻ chia đầy trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân Hoằng Hóa anh em. Hai địa phương thường xuyên thăm hỏi, nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ học tập kinh nghiệm, giúp đỡ nhau để cùng phát triển...

Ngày nay, trên con đường đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoằng Hóa đang ra sức thi đua, vượt qua thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng. Năm 2019, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 14,71%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 44,1 triệu đồng/người/năm. Cả 42/42 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Với lợi thế phát triển du lịch, Hoằng Hóa đang chuyển mình mạnh mẽ để thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến có trên 5.000 phòng khách sạn; riêng năm 2019 đã đón 1,5 triệu lượt khách đến tắm biển và nghỉ dưỡng. Huyện đang phấn đấu trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 và là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

45 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Điện Bàn tiếp tục đạt được những thành tựu mới: Năm 2005, được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”; năm 2010, hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện cơ bản trở thành huyện công nghiệp; năm 2015, huyện công bố trở thành thị xã, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019, thu ngân sách đạt 4.541,917 tỷ đồng, là năm thứ ba thị xã tiếp tục tự cân đối thu chi ngân sách Nhà nước. Thị xã Điện Bàn thay đổi từng ngày theo hướng văn minh, hiện đại, xứng tầm là trung tâm kinh tế - đô thị phía Bắc Quảng Nam. Cơ cấu kinh tế chuyển biến mạnh mẽ theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc đã cơ bản được lấp đầy với 70 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 4.112,14 tỷ đồng và 560,89 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 26.000 lao động. Du lịch biển của Điện Bàn đã mang tầm quốc tế khi đã hình thành được các khu du lịch cao cấp nổi tiếng, như: Bãi tắm Viêm Đông - Điện Ngọc kết nối với bãi tắm Hà My - Điện Dương. Khu resort The Nam Hải thuộc phường Điện Dương được bình chọn là khu du lịch biển đẹp nhất ở khu vực Đông Nam Á với lượng khách du lịch quốc tế đến với khu nghỉ mát ngày càng đông. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt 53,05 triệu đồng.

Nhìn lại chặng đường kết nghĩa, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Hoằng Hóa – Điện Bàn thấm thía, xúc động, tự hào và tin tưởng vào tình cảm keo sơn, gắn bó của hai địa phương, biết ơn thế hệ cha anh đã có sự giao kết tình nghĩa để mối tình từ buổi giao tâm nguyện ước đến nay vẫn luôn in đậm và nồng thắm tình người, tình quê hương Hoằng Hóa – Điện Bàn. Gần 60 năm qua, mối tình ấy luôn được đảng bộ, nhân dân 2 địa phương vun đắp, giữ gìn và phát triển. Ở mỗi thời kỳ lịch sử đều để lại nhiều dấu ấn không thể nào phai về tình cảm đắng cay, ngọt bùi chia sẻ; gian nan, hoạn nạn, vui buồn có nhau, “Hoằng Hóa khó khăn, Điện Bàn có mặt – Điện Bàn khó khăn, Hoằng Hóa chung vai”.

Tô Dung

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/60nam-thanh-hoa-quang-nam/hoang-hoa-dien-ban-moi-luong-duyen-nghia-nang-tinh-sau/115504.htm