Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên - người mở đầu truyền thống khoa bảng ở làng Cót xưa

Ngày 14-6, tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Lễ kỷ niệm 550 năm ngày đại đăng khoa của Hoàng giáp, Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Như Uyên (1469 - 2019).

Kỷ niệm 550 năm ngày Đại đăng khoa của Hàng giáp, Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyẽn Như Uyên.

Kỷ niệm 550 năm ngày Đại đăng khoa của Hàng giáp, Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyẽn Như Uyên.

Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên sinh năm Bính Thìn (1436) ở làng Hạ Yên Quyết huyện Từ Liêm (nay là phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội). Ông là tổ đầu tiên của dòng họ Nguyễn ở đây. Làng Hạ Yên Quyết tên nôm gọi là làng Cót vẫn tự hào là một trong “tứ danh hương” của Thăng Long xưa (Mỗ, La, Canh, Cót) - là những làng có nhiều người thi đỗ, thành đạt.

Vào tuổi “nhi lập”, năm 1469, khi 33 tuổi, Nguyễn Như Uyên đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa khoa Kỷ Sửu (năm 1469), triều vua Lê Thánh Tông. Đáng chú ý là khoa thi này không lấy Đệ nhất giáp Tiến sĩ vả chỉ có hai người đỗ Đệ nhị giáp là Phạm Bá và Nguyễn Như Uyên. Nguyễn Như Uyên cũng là người mở đầu truyền thống khoa bảng trong suốt thời Lê của dòng họ Nguyễn ở làng Cót. Sau ông còn có: Nguyễn Khiêm Quang (cháu nội), đỗ Tiến sĩ, khoa Quý Mùi (năm 1523), Nguyễn Nhật Tráng (cháu đời thứ năm), đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (năm 1595), Nguyễn Vinh Thịnh (hậu duệ), đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (năm 1659).

Sau khi thi đỗ Tiến sĩ, theo quy định bổ nhiệm quan chức được ban hành thời đó, khởi đầu, Nguyễn Như Uyên được giao giữ chức Hàn lâm viện Hiệu lý, chịu trách nhiệm “kiểm soát chỉnh lý và sẵn sàng cho biết ý kiến về văn từ trong chiếu, chỉ, lệnh dụ, lệnh chỉ, cùng chú giải những chữ trong chiếu, chỉ, lệnh dụ, lệnh chỉ này khi có người hỏi tới” (Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn). Đường công danh tiếp theo của Nguyễn Như Uyên khá hanh thông. Ông lần lượt đảm nhiệm nhiều trọng trách ở triều đình, trên nhiều lĩnh vực khác nhau: chính trị, quân sự, giáo dục. Là một trọng thần đạo cao, đức trọng, Nguyễn Như Uyên đã có nhiều cống hiến trong sự phát triển thịnh vượng của quốc gia Đại Việt dưới sự trị vì của hoàng đế Lê Thánh Tông. Là quan văn trong triều nhưng ông cũng đã ba lần cùng nhà vua đi chinh chiến Ai Lao, Lão Qua và Bồn Man và lập nhiều chiến công. Ông được ban thái ấp, tước vị, lập cơ nghiệp ở làng Hạ Yên Quyết.

Nguyễn Như Uyên có một thời gian dài đảm nhiệm chức Thượng thư bộ Lại, là một bộ quan trọng, chuyên lo việc chính sự, xem xét việc “chọn bổ các chức quận thú, huyện lệnh ở trong hay ngoài”, “chiếu theo sự lý của triều trước đã định rõ, xét lời nói, việc làm, xem khí độ kiến thức và xem khoa trường trúng nhiều kỳ hay ít, làm việc lâu năm hay mới, để làm chuẩn định bổ đi chỗ nhiều việc hay ít việc” (Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú). Ông làm quan thanh liêm, nghiêm cẩn, hết lòng vì việc công.

Thời vua Lê Thánh Tông là thời đại phát triển, thịnh trị. Bên cạnh những thành tích trong xây dựng, phát triển kinh tế, Lê Thánh Tông cũng đã tạo dựng cho quốc gia Đại Việt một diện mạo văn hóa riêng, đặc sắc. Trong thời Lê Thánh Tông, Nho học được khuyến khích, chủ trương đào tạo nhân tài qua khoa cử. Các bậc đại khoa văn chương uyên bác, đạo cao đức trọng thường được giao kiêm giữ chức Tế tửu hay Tư nghiệp ở Quốc Tử giám. Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên cũng được vua Lê Thánh Tông giao kiêm giữ chức Tế tửu (chức vụ đứng đầu) Quốc Tử Giám, chăm lo việc giáo dục và khoa cử. Khi về trí sĩ (như nghỉ hưu trí ngày nay), Nguyễn Như Uyên được gia phong chức Thái bảo, được dùng chữ Liêm (trong tên huyện Từ Liêm) làm hiệu cho tước phong của mình - Liêm quận công.

Qua những ghi chép lịch sử, hậu thế có thể biết về Hoàng giáp, Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Như Uyên là người văn võ song toàn, học vấn uyên thâm. Lễ kỷ niệm 550 năm ngày Đại đăng khoa của ông là dịp để tôn vinh một tài năng, một nhân cách cao đẹp, có nhiều cống hiến cho quê hương đất nước, qua đó nêu tấm gương sáng, đề cao truyền thống hiếu học để chúng ta ngày nay tự hào về truyền thống học tập để giúp dân giúp nước của cha ông.

NGỮ THIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/40548002-hoang-giap-nguyen-nhu-uyen-nguoi-mo-dau-truyen-thong-khoa-bang-o-lang-cot-xua.html