Hoàng gia Nhật Bản – Những chuyện chưa biết

Nhật hoàng Akihito đã chính thức chấm dứt triều đại của mình, sau khi nhường ngôi cho người con trai Naruhito. Như vậy, tính từ ngày 1-5, thái tử Naruhito đã trở thành vị hoàng đế thứ 126 của hoàng triều có lịch sử lâu nhất trong lịch sử nhân loại. Cùng tìm hiểu những chi tiết đáng chú ý xung quanh hoàng gia bí ẩn và lâu đời nhất trên thế giới này.

Bắt đầu thời kỳ mở cửa

Cho đến giữa thế kỷ XIX, Nhật Bản vẫn là một xã hội khá cách biệt. Họ gần như không cho phép người châu Âu đặt chân tới lãnh thổ của mình, thẳng tay trừng trị những thành phần tìm cách gây ảnh hưởng tới cuộc sống nội bộ tại xứ sở này, chẳng hạn như những nhà truyền giáo phương Tây.

Tuy nhiên với tình hình thế giới thay đổi, đảo quốc này không thể cứ đóng cửa mãi. Năm 1854, Nhật đã ký hiệp ước hợp tác đầu tiên với Mỹ, và hai năm sau là với Nga.

Thiên hoàng Minh Trị.

Thiên hoàng Minh Trị.

Năm 1866, Thủ tướng Yoshinobu lên nắm quyền, chủ trương cải tổ Nhật theo hình mẫu các nước phương Tây, dù vẫn phải đương đầu với sự chống đối của Nhật hoàng Komei. Sau khi vị hoàng đế này bất ngờ qua đời ở tuổi 36, cậu con trai 15 tuổi của ông là Mutsuhito lên kế vị, trở thành vị hoàng đế tiến bộ đầu tiên của đất nước mặt trời mọc, vốn nổi tiếng với cái tên là "Thiên hoàng Minh Trị".

Những gì đã diễn ra tại Nhật dưới thời Mutsuhito về sau được các nhà sử học mệnh danh là "Thời kỳ phục hưng Minh Trị". Quyền lực từ tay giới quí tộc quân sự được quy phục về hoàng đế, giúp ông thành lập một chính quyền dưới hình thức một hội đồng các bộ trưởng.

Nhật bắt đầu cho phép tự do buôn bán với châu Âu và Mỹ, những người truyền đạo không còn sợ bị thanh trừng, còn giới quí tộc Nhật rủ nhau đi học tại những trường đại học hàng đầu thế giới. Quân đội Nhật trong thời gian này cũng được tái vũ trang trở thành một đội quân hùng mạnh kể từ đầu thế kỷ XX.

Mutsuhito trong sinh hoạt và cuộc sống riêng tư cũng khá cầu kỳ trong việc kết hợp giữa truyền thống và phong cách phương Tây. Chẳng hạn như ông thường mặc quân phục kiểu châu Âu, đi trên chiếc xe ngựa xa hoa sản xuất tại nước ngoài và để râu theo phong cách đàn ông phương Tây thời đó. Còn hoàng hậu Masako Ichijo của ông là người đầu tiên xuất hiện trước công chúng trong chiếc váy dạ hội của châu Âu.

Hoàng đế của thời kỳ chiến tranh

Nếu như cuộc chiến Nga-Nhật diễn ra dưới thời kỳ triều đại của Mutsuhito, thì Đại chiến thế giới thứ nhất xảy ra trong thời kỳ cầm quyền của con trai ông là Taisho. Vị vua này cũng thích mang quân phục kiểu châu Âu và áo đuôi tôm. Người con trai cả Hirohito trong số 4 người con trai của Taisho chính thức lên ngai vàng vào năm 1926, dù trước đó đã có 5 năm phụ chính cho vua cha vốn thường xuyên bệnh tật.

Hirohito chính là vị vua có thời gian tại vị lâu nhất trong lịch sử vương triều Nhật Bản: tổng cộng 62 năm, trong đó có nhiều năm bị hạn chế về quyền lực kể từ sau Đại chiến thế giới thứ hai. Hirohito được đánh giá là vị vua có học thức: được học tại ngôi trường đặc biệt dành cho giới quí tộc, đặc biệt là Viện thái tử với thầy dạy là những nhà khoa học xuất sắc nhất của Nhật.

Sau đó, ông còn có nửa năm du học tại châu Âu giúp mở rộng không chỉ về kiến thức mà còn về nhãn quan. Hirohito rất thích diện trang phục comple, đội mũ nồi. Hirohito có tổng cộng 7 người con, trong đó Nhật hoàng tương lai Akihito là con thứ 5, đồng thời cũng là con trai cả.

Nhật hoàng Hirohito (phải) và Thái tử Akihito trên sân quần vợt

Vai trò thực sự của nhà vua Hirohito trong Đại chiến thế giới thứ hai hiện vẫn đang là đề tài tranh luận gay gắt của các nhà sử học. Ngoài việc Nhật Bản phải đầu hàng và tổn thất nặng nề với dấu mốc là hai quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật hoàng chính thức bị mất ảnh hưởng thực tế về chính trị, cũng như danh xưng là "Thiên tử".

Dù sao với sự bảo hộ của một số quan chức trong phe chiến thắng, trong đó có cả Tổng thống Truman của Mỹ, Nhật hoàng đã không phải ra tòa với tư cách là tội phạm chiến tranh, và vẫn được coi là biểu tượng thống nhất của dân tộc. Chính thức từ năm 1947, sau khi Nhật thông qua bản hiến pháp dân chủ, nhà vua trở thành người đứng đầu một quốc gia quân chủ lập hiến, không còn mang nhiều thực quyền.

Con cái của vua Hirohito từ nhỏ đã thường xuyên mặc quần áo kiểu châu Âu, có phong cách sống cũng thoải mái hơn nhiều cha ông trước đó: sử dụng các tiện nghi sinh hoạt hiện đại, xe hơi và máy bay, thường xuyên xem phim phương Tây v.v… Ngay như Nhật hoàng tương lai Akihito từ nhỏ đã được một nữ quản gia người Mỹ, vốn là nhà văn viết truyện cho trẻ em, dạy tiếng Anh.

Akihito – Nhà cải cách mềm dẻo

Nhật hoàng Akihito khi còn trẻ là một người khá năng động: thích cưỡi ngựa, đạp xe và ưa thích môn thể thao của phương Tây là quần vợt. Ông cũng là người đầu tiên phá vỡ truyền thống xa xưa của hoàng gia là luôn phải cưới người vợ danh giá trong hoàng tộc. Nhờ đó, lần đầu tiên trong lịch sử, hoàng hậu tương lai Michiko lại xuất thân từ dân thường, chỉ là con gái của một nhà tư bản công nghiệp giàu có.

Lễ đính hôn và đám cưới của Akihito đã gây ra một sự kiện đặc biệt được mệnh danh là "Mitchi boom" (nôm na là sự kiện rùm beng về Michiko) trên các phương tiện truyền thông đại chúng Nhật: hình ảnh cặp đôi này liên tục xuất hiện, các phóng viên thi nhau viết những lời tán dương về sắc đẹp và sự thông minh của hoàng hậu tương lai.

Người Nhật lần đầu tiên cũng nhận thấy, giới quý tộc và thậm chí cả hoàng gia đã gần gũi với dân hơn, kèm theo đó là hy vọng về những thay đổi tốt đẹp trong thời gian tới.

Trong hôn lễ, nhà vua và tân hoàng hậu đều ăn mặc đúng theo truyền thống cổ xưa. Nhưng trong cuộc sống đời thường, phong cách của họ chẳng khác gì những công dân tại một quốc gia châu Âu. Còn phải kể thêm một điểm "phá cách" nữa, khi vợ chồng Akihito đã tự mình chăm sóc con cái, không trao nhiệm vụ dạy dỗ con cho những giáo viên đặc biệt, cũng như không thuê cả vú nuôi.

Gia đình con cái nhà Akihito thường xuyên xuất hiện trong những bức ảnh sinh hoạt rất bình dị: đạp xe, học bài, tham quan các danh lam thắng cảnh, bơi lội hay dạo chơi ngoài thiên nhiên.

Các chuyên gia xã hội học Nhật khi đó đã nhìn nhận đây là một hiện tượng đang ngày càng phổ biến trong xã hội: các cô gái học theo tấm gương hoàng hậu tương lai, các công dân trẻ cũng thay đổi phong cách sống của gia đình, chú ý đến con cái nhiều hơn và cùng dành nhiều thời gian rảnh để chăm sóc và chơi đùa với chúng.

Cũng theo gương của chính cha mẹ mình, thái tử Naruhito, thân vương Fumihito và công chúa Sayako đều say mê khoa học, cụ thể là sinh học.

Nhật hoàng Akihito chính thức lên ngôi vào năm 1989. Giai đoạn những năm 1980-1990 khi đó đối với nước Nhật được coi là thời kỳ của những "kỳ quan công nghệ" và thịnh vượng. Vai trò của Nhật hoàng lúc bấy giờ được coi là "biểu tượng của dân tộc" và là tấm gương say mê nghiên cứu khoa học. Không lâu trước khi lên ngôi, ông đã cho công bố một vài công trình nghiên cứu về ngư học, trở thành hội viên của "The Linnean Society of London" một trong những hiệp hội nghiên cứu tự nhiên nổi tiếng tại London.

Kỷ nguyên mới

Từ ngày 1-5-2019, thái tử Naruhito chính thức trở thành hoàng đế thứ 126 của Nhật Bản. Trên thực tế, người dân Nhật đã rất quen thuộc với vị vua mới của mình: ông chưa đầy 60 tuổi, luôn công khai mọi chuyện trong cuộc sống riêng tư với xu hướng gần gũi với thần dân hơn.

Naruhito từng học tại ngôi trường nổi tiếng Oxford với tấm bằng thạc sĩ về lịch sử. Có điều hoàng hậu Masako của ông, người trước đây từng làm việc trong ngành ngoại giao, đang bị chứng bệnh trầm cảm nặng nên hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Gia đình tân vương chỉ có một con gái duy nhất là công chúa Aiko, năm nay vừa tròn 18 tuổi.

Theo qui định của hoàng gia Nhật, ngôi vương chỉ có thể truyền cho đàn ông. Chính vì vậy, sau thời của Naruhito, ngôi vương có thể truyền cho thân vương Fumihito hay con trai của ông là Hisahito.

“Ngai vàng di động”

Liên quan đến phong cách sống của hoàng gia Nhật, không thể không kể vài dòng về đam mê xe hơi. Đây chính là một trong số không nhiều những đồ vật xa hoa mà các quân vương Nhật phô bày trước công chúng.

Thân vương Fumihito (trái) cùng gia đình.

Khác với các "đồng nghiệp" tại châu Âu, những vị hoàng đế Nhật thay đổi công cụ di chuyển từ xe ngựa sang xe hơi khá muộn. Nhật hoàng đầu tiên đi lại bằng xe hơi chính là Taisho với chiếc Mercedes 28/50 Kardanwagen. Chiếc xe này có mặt trong garage của hoàng gia vào năm 1913, phục vụ nhà vua cho tới năm 1927.

Đến năm 1921, garage xe của hoàng gia Nhật được bổ sung thêm chiếc Rolls-Royce Silver Ghost - loại xe hơi xa xỉ nhất của Anh trong thời kỳ đó, đồng thời cũng là sở thích của nhiều quân vương tại châu Âu. Mối tình với những chiếc xe sang nước ngoài (một phần do ngành công nghiệp ôtô của Nhật chưa đủ phát triển) được kéo dài cho tới đời Nhật hoàng kế tiếp là Hirohito. Vào năm 1932, nhà vua đặt hàng thêm chiếc xe Mercedes-Benz 770, đúng với loại trùm phát xít Hitler về sau cũng sử dụng. Cũng chính Hirohito là người khởi xướng làn sóng ưa chuộng xe hơi Mỹ. Vào năm 1935, hoàng gia tiếp tục bổ sung tới 5 chiếc Packard Eight Cadillac.

Sau thất bại của Nhật trong Đại chiến thế giới thứ hai, Nhật hoàng vẫn không thay đổi sở thích xe của mình, chuyển sang dùng chiếc Cadillac Series 75, tương tự như của Tổng thống Mỹ Harry Truman. Do tính bảo thủ của các hoàng đế, những chiếc xe hơi trong garage của hoàng gia thường được sử dụng rất lâu - chẳng hạn như chiếc Mercedes-Benz 770 được sử dụng cho tới tận năm 1968.

Sang đến những năm 1960, chính quyền đã quyết định không nên để Nhật hoàng đi lại thường xuyên trên những chiếc xe hơi nước ngoài, do ngành công nghiệp xe hơi Nhật đã có những tiến bộ vượt bậc.

Vai trò đáp ứng nhu cầu đi lại của hoàng gia được giao cho Prince Motor Company, với sản phẩm đặc biệt đầu tiên do họ cung cấp là chiếc limousine Royal series A70 với động cơ V8 6.4, với những cải thiện đáng kể về độ êm và khả năng cách âm, kèm theo đó là phần nội thất làm bằng 100% gỗ tự nhiên và lông thú. Một thời gian sau, garage hoàng gia lại tiếp tục có một chiếc xe Nhật nữa là Nissan President, được dành riêng cho Hirohito.

Prince Royal phục vụ Nhật hoàng cho tới năm 2006, trước khi nhường chỗ cho chiếc Toyota Century Royal. Kiểu mẫu này của Century Royal không bao giờ được bán rộng rãi ra ngoài. Cho tới giờ, hiện chỉ có 4 chiếc đặc biệt như vậy được sản xuất với giá mỗi chiếc lên tới nửa triệu đôla.

Những chiếc xe được mệnh danh là "Hoàng hậu" này được đánh số thứ tự từ 1 đến 5 (số 4 được bỏ qua vì có ý nghĩa không may mắn theo quan niệm của người Nhật). Trong đó, hai chiếc Century Royal sau cùng do phải củng cố một số biện pháp an toàn bổ sung nên có giá lên tới 851 ngàn đôla.

Theo Đinh Linh/An ninh thế giới

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/hoang-gia-nhat-ban-nhung-chuyen-chua-biet/20200304025712695