Hoàng Công Lương mong được trở lại công việc khám chữa bệnh

Nói lời cuối tại tòa, bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho rằng cáo buộc của Viện kiểm sát là không đủ căn cứ và mong HĐXX tạo điều kiện để trở lại công việc khám chữa bệnh.

Chiều 25.1, sau 12 ngày, phiên tòa xét xử vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong xảy ra ngày 29.5.2017 tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình bước sang phần nghị án. Trước khi kết thúc phần tranh tụng, 7 bị cáo được HĐXX cho nói lời sau cùng tại tòa.

Là người đầu tiên nói lời sau cùng, bị cáo Hoàng Công Lương sau khi chia sẻ với gia đình các nạn nhân, đã khẳng định những cáo buộc của Viện KSND TP.Hòa Bình (VKS) đối với mình là không đủ căn cứ.

“Bị cáo mong HĐXX xem xét kỹ lưỡng, đánh giá khách quan, công tâm, minh bạch, xử đúng người đúng tội. Mong HĐXX quan tâm, tạo điều kiện cho bị cáo trở lại việc khám chữa bệnh”, bị cáo Lương nói.

Bị cáo, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương nói rằng những ngày xét xử vừa qua đã giúp mình thấy đầy đủ, toàn diện hơn sự việc xảy ra. “Mọi lời kết tội từ mọi phía đều có cơ sở nhưng bản chất thì không phải như vậy nhưng bị cáo không có cơ hội thanh minh”, bị cáo này nói.

Bị cáo Dương cũng gửi lời xin lỗi các bị cáo từng là cấp dưới của mình. “Bị cáo nhận trách nhiệm của người đứng đầu. Bị cáo không nói oan hay không oan nhưng mong HĐXX căn cứ vào đặc thù của ngành y để tạo điều kiện cho những bị cáo trẻ như Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn cơ hội làm lại...”, bị cáo Dương nói, đồng thời đề nghị HĐXX căn cứ vào đặc thù vụ án để có bản án làm bài học sâu sắc cho những bác sĩ khác trong ngành y.

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) tiếp tục khẳng định mình không có tội và đề nghị HĐXX tuyên mình vô tội.

Các bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh), bị cáo Trần Văn Sơn đều gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân, mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ khoan hồng cho mình. Trong khi đó, các bị cáo Hoàng Đình Khiếu (phó giám đốc kiêm trưởng khoa hồi sức tích cực) và bị cáo Trần Văn Thắng (trưởng phòng vật tư - thiết bị y tế) mong muốn HĐXX đưa ra bản án công minh, khách quan.

Sau khi các bị cáo kết thúc lời sau cùng, HĐXX tuyên bố nghỉ để nghị án và thông báo sẽ tuyên án vào ngày 30.1.2019.

Người nhà nạn nhân xin giảm nhẹ tội cho các bị cáo

Trước đó, trong phần tranh luận, đại diện BVĐK tỉnh Hòa Bình, luật sư (LS) Nguyễn Danh Huế cho rằng, Công ty Thiên Sơn do bị cáo Đỗ Anh Tuấn là giám đốc ký hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 với BV nhưng đã chuyển nhượng thầu trái pháp luật cho Công ty Trâm Anh do bị cáo Bùi Mạnh Quốc là giám đốc dẫn tới sự cố ngày 29.5.2017. LS này đề nghị HĐXX buộc Công ty Thiên Sơn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do sự cố y khoa năm 2017. LS Huế cũng đề nghị HĐXX buộc Công ty Thiên Sơn phải bồi thường cho BV 2,5 tỉ đồng do thiệt hại từ sự cố.

Tranh luận quan điểm này, đại diện VKS cho rằng, hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh ký sau khi sự cố xảy ra nên thực chất Bùi Mạnh Quốc thực hiện việc sửa chữa hệ thống lọc nước với tư cách là người của Công ty Thiên Sơn. Vì thế, VKS xác định 2 pháp nhân này phải bồi thường thiệt hại cho sự cố xảy ra 2 năm trước là Công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Trong khi đó, LS Nguyễn Hoàng Trung, đại diện cho các gia đình nạn nhân và người bị hại trong sự cố cho rằng, bên bồi thường có trách nhiệm là BVĐK tỉnh Hòa Bình. LS cũng yêu cầu tính lãi suất các khoản bồi thường vì thời gian vụ án đã kéo rất dài. Về các bị cáo, LS Trung cho biết, đại diện các gia đình xin HĐXX giảm nhẹ tội cho các bị cáo. “Đối với bị cáo Hoàng Công Lương, gia đình các nạn nhân cho rằng, bác sĩ Lương không có tội nên không xin giảm án. Đối với các bị cáo Trần Văn Sơn, Bùi Mạnh Quốc, Đỗ Anh Tuấn, Trương Quý Dương xin giảm án theo các tình tiết giảm nhẹ, còn các bị cáo khác thì theo quy định của pháp luật”, LS Trung cho hay.

Kiến nghị truy cứu trách nhiệm Phó trưởng khoa Hoàng Công Tình

Tại phiên tòa ngày 25.1, các LS cũng tranh luận việc VKS đề nghị HĐXX kiến nghị CQĐT truy cứu trách nhiệm của ông Hoàng Công Tình (Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình, chú ruột bị cáo Hoàng Công Lương) do có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong sự cố ngày 29.5.2017. Các LS đại diện cho ông Tình cho rằng trong sự cố năm 2017, ông Tình đã làm hết trách nhiệm. Ông Tình cũng không phải chịu trách nhiệm gì với máy chạy thận và hệ thống lọc nước RO đồng thời cũng không phụ trách chuyên môn tại đơn nguyên thận nhân tạo.

Đối đáp lại, đại diện VKS cho biết, lý do VKS đề nghị truy cứu trách nhiệm đối với ông Tình vì ông là phó trưởng khoa hồi sức tích cực, được ông Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) ủy quyền để thực hiện các công việc tại khoa. Ông Tình được tham gia đề án chuyển giao kỹ thuật lọc thận giữa BV Bạch Mai và BVĐK tỉnh Hòa Bình. Ông Tình có lịch trực tại đơn nguyên thận nhân tạo và khoa hồi sức tích cực. Tại phiên tòa, bác sĩ Phạm Thị Huyền và điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng khai nhận nhiệm vụ từ ông Tình làm việc tại đơn nguyên thận nhân tạo. Với vai trò là phó trưởng khoa, ông Tình đã không tham mưu giúp việc cho trưởng khoa. Từ đó, đại diện VKS bảo lưu kiến nghị HĐXX đề nghị truy cứu trách nhiệm đối với ông Hoàng Công Tình.

Lê Hiệp

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/hoang-cong-luong-mong-duoc-tro-lai-cong-viec-kham-chua-benh-1047139.html