Hoàng Công Lương được giảm 12 tháng tù

Ngày 19-6, HĐXX phúc thẩm của TAND tỉnh Hòa Bình đã ra phán quyết với cácbị cáo trong vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án.

Theo đó, tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của 4 bị cáo, sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho Hoàng Công Lương còn 30 tháng tù (án sơ thẩm 42 tháng tù) về tội "Vô ý làm chết người";

Ở tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", bị cáo Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng vật tư, BVĐK tỉnh Hòa Bình), Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó giám đốc, BVĐK Hòa Bình) mỗi người được giảm 6 tháng tù, còn 30 tháng. Đỗ Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Cty Thiên Sơn) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, án sơ thẩm phạt 30 tháng tù. Trong 5 người kháng cáo, duy nhất Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình), tòa tuyên giữ nguyên mức án sơ thẩm 30 tháng tù.

Về bồi thường dân sự, BVĐK Hòa Bình và Cty Thiên Sơn phải liên đới bồi thường hơn 2,4 tỷ đồng cho các bệnh nhân, trong đó bệnh viện chịu 70% (như bản án sơ thẩm).

HĐXX phúc thẩm nhận định, ý kiến của Bộ Y tế tại phiên tòa là không có cơ sở khoa học. Các kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) là chính xác. Tòa kiến nghị Bộ Y tế cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy trình cho phù hợp; chấn chỉnh lại công tác xã hội hóa trong y tế.

Trước đó, tại phiên tòa, bị cáo Lương là bác sĩ của BVĐK Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã thừa nhận lỗi vô ý làm chết người. Bị cáo này xin HĐXX được hưởng án treo để có cơ hội quay lại hành nghề y.

Tuy nhiên, đánh giá về các bị cáo, HĐXX cho rằng Hoàng Công Lương được đào tạo chuyên môn có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Ngoài ra, bị cáo Lương cũng là người thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2.

Với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, bị cáo buộc phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng. Sau sửa chữa, bảo dưỡng "tẩy rửa màng RO và các đường ống của hệ thống" phải có việc xét nghiệm xác định chất lượng nguồn nước và biết trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước thuộc trưởng khoa.

Do vậy theo VKSND, dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng không thể chấp nhận xin hưởng án treo của bị cáo, mà chấp nhận một phần nội dung kháng cáo, đề nghị giảm án. Từ những phân tích trên, VKS đề nghị mức án 36-39 tháng tù đối với bị cáo Hoàng Công Lương.

Trong khi đó, bị cáo Trương Quý Dương (nguyên giám đốc BVĐK Hòa Bình) bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục có những hội thảo khoa học để làm rõ nguyên nhân cái chết của các bệnh nhân, cách xử lý đối với các sự cố chạy thận tương tự như sự cố đã xảy ra ở BV Hòa Bình. Ngoài ra, cựu giám đốc BVĐK Hòa Bình cũng mong muốn nhận được khoan hồng từ pháp luật và xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác.

Riêng bị cáo Đỗ Anh Tuấn (nguyên giám đốc Cty CP Dược phẩm Thiên Sơn) cho rằng không phạm tội như cáo trạng truy tố và mong HĐXX có bản án công tâm, khách quan vì kết luận điều tra về nguyên nhân tử vong của các nạn nhân trong sự cố y khoa nghiêm trọng này chưa rõ ràng.

Nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, bị cáo còn lại là Hoàng Đình Khiếu và Trần Văn Thắng bày tỏ sự ăn năn hối lỗi vì đã để xảy ra sự cố y khoa làm nhiều người tử vong và mong muốn HĐXX giảm nhẹ hình phạt so với bản án sơ thẩm.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hoang-cong-luong-duoc-giam-12-thang-tu-152388.html