Gỡ khó tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước

Một trong những khó khăn trong vận chuyển, lưu thông nông sản giữa các địa phương đến từ sự khắt khe quá mức tại các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương.

Chiều nay (7/6) tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp bàn với đại diện lãnh đạo các Bộ: Công thương, Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải về tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển nông sản ra cửa khẩu và luân chuyển nông sản giữa các địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ các Bộ: Công thương, Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải đã có các công văn, văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ, có các giải pháp kịp thời tạo thuận lợi cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là những nông sản đang vào vụ thu hoạch ở các địa phương như: vải thiều, thanh long…Tuy nhiên trên thực tế vẫn phát sinh những vướng mắc do công tác phòng chống dịch ở các địa phương được tăng cường trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Thương lái mua dưa lê giúp nông dân xã Đại Lai, huyện Gia Bình, Bắc Ninh. (Ảnh minh họa: Thái Hùng/TTXVN)

Thương lái mua dưa lê giúp nông dân xã Đại Lai, huyện Gia Bình, Bắc Ninh. (Ảnh minh họa: Thái Hùng/TTXVN)

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, khó khăn trong vận chuyển, lưu thông nông sản giữa các địa phương là các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết khi không cho phép phương tiện vận chuyển nông sản của địa phương khác đi qua, mặc dù có Giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với lái xe và hàng hóa. Ngoài ra, việc tiêu thụ nông sản còn gặp khó khăn do cước phí vận tải tăng, nhu cầu thị trường giảm, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí cầu đường và lưu thông vận chuyển tăng...

Theo đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, đã chỉ đạo các đơn vị ở địa phương tăng cường xét nghiệm nhanh để thông thương hàng hóa cho các đối tượng tham gia vận chuyển, tuy nhiên, cũng gặp một số khó khăn liên quan đến vấn đề cách ly y tế và Bộ đang với các địa phương giải quyết những vướng mắc này. Đại diện Bộ Giao thông vận tải đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương cần yêu cầu các địa phương có nhu cầu vận chuyển thị thông tin đến Sở Giao thông vận tải trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu vận chuyển lưu thông hàng hóa. Một số ý kiến khác cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ về thông tin với các tỉnh giáp biên giới để nắm bắt kịp thời những thay đổi trong việc thông quan hàng hóa giữa 2 bên, chủ động các kịch bản và giải pháp tiêu thụ nông sản.

Nhấn mạnh đến nhiều loại nông sản chuẩn bị bước vụ thu hoạch ngoài vải thiều, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng, trong chỉ đạo sản xuất cần hướng dẫn nông dân và địa phương trồng rải vụ để giảm bớt áp lực trong khâu tiêu thụ.

"Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ có những sản phẩm và thu hoạch thời vụ ngắn mà sản lượng lớn. Ví dụ, trong thời gian tới là đến vụ nhãn, chúng ta rải vụ để có thêm thời gian tiêu thụ. Trước diễn biến dịch hiện nay cần có chủ động các kịch bản ứng phó với dịch bệnh hướng đến các thị trường xuất khẩu. Tính toán, dự kiến thị trường trong nước để cung cầu gặp được với nhau, tạo điều kiện giữ giá tốt cho bà con nông dân." - Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, thực tế các bộ, ngành đã có những văn bản chỉ đạo rất chặt chẽ, tuy nhiên, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các đoàn công tác đi các tỉnh biên giới thấy rằng, ở địa phương các cơ sở sản xuất, người sản xuất không biết ai là người hướng dẫn và cũng không biết ở đâu, bắt đầu từ đâu. Bởi vậy, cần có cơ chế để tháo gỡ cho nông sản lưu thông nhanh hơn. Nếu Bộ nông nghiệp cùng Bộ Công Thương và Bộ Y tế phối hợp tạo cơ chế kiểm duyệt và ngành y tế sẽ cấp giấy xác nhận để nông sản được ưu tiên lưu thông nhanh hơn trong bối cảnh dịch COVID-19. Khi các Sở chuyên ngành ở địa phương phối hợp có giấy xác nhận là hàng đã được kiểm dịch COVID-19 thì đề nghị cảnh sát giao thông tạo điều kiện thuận lợi ưu tiên để di chuyển thuận lợi, vì vậy các Bộ nghiên cứu, đồng ý theo cơ chế này để sớm hướng dẫn cho địa phương.

"Thủ tướng đã có Công điện về phòng chống dịch, điều gì giúp được cho bà con, cho cơ sở sản xuất thì chúng ta làm. Với những vướng mắc khác, nếu các Bộ cùng phối hợp để giải quyết sớm thì rất tốt, rất có lợi cho bà con trong điều kiện dịch bệnh. Ở góc độ mặt hàng nông sản thì Bộ Nông nghiệp đứng ra làm đầu mối để cùng phối hợp với các bộ, ngành để tạo ra một cơ chế tháo gỡ. Sáng mai Bộ Nông nghiệp sẽ có văn bản gửi cho các Bộ đề nghị bộ phận tham mưu sớm trả lời để Bộ nông nghiệp có hướng dẫn cụ thể xuống các địa phương thực hiện." - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị Bộ Ngoại giao họp bàn với phía Trung Quốc có thể có cơ chế cho phép tạm thời sử dụng “Hộ chiếu vaccine” đối với lái xe vận chuyển để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bộ Y tế xem xét thống nhất đề nghị các địa phương nên ưu tiên tiêm vác xin cho các lái xe vận chuyển. Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu việc giảm phí, lệ phí, có cơ chế tạo điều kiện cho các xe vận chuyển nông sản thuận lợi hơn./.

Minh Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/go-kho-tieu-thu-nong-san-trong-va-ngoai-nuoc-864234.vov