Hoàng Anh Gia Lai chững lại – bài học không của riêng ai

Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lại thua đậm. Lại là tỷ số 3-5 giống trận đấu cuối tuần trước trên sân CLB TP Hồ Chí Minh, lần này là trước đội hình nhiều quân trẻ, dự bị của Hà Nội FC.

Chuyện thua-thắng là vốn có và cũng là bình thường trong bóng đá. Song thua liền một mạch, thua nhiều, thủng lưới nhiều thành chuyện bình thường, thành quen sẽ là điều bất bình thường, là căn bệnh hủy hoại một cơ thể trẻ trung, đang lớn. Nếu đội bóng trẻ HAGL đã là biểu tượng của xu thế mới đào tạo và vận hành bài bản, đá đẹp, hiện đại thì thêm một mùa giải đang vào hồi kết thúc, đội bóng này lại thể hiện như một hiện tượng bằng lòng, chững lại và thoái lui. Có quá nhiều nỗi buồn, thất vọng và những bài học bất thành đối với một đội bóng đồng trang lứa mới ra ràng cần được nhìn nhận thẳng thắn.

Khách quan mà nói, có ai bắt đội bóng phố Núi phải bung sức, đá hết mình trong mọi trận đấu. Cũng chẳng ai yêu cầu họ phải có thứ hạng cao. Họ đã đủ điểm để nằm trong vòng an toàn. Thực tế, sau ASIAD trở về, nhiều cầu thủ chủ chốt của họ đã không còn sung sức, thậm chí chấn thương và bệnh tật, điển hình là Xuân Trường, Vũ Văn Thanh, Văn Toàn. Trong bối cảnh ấy, các cầu thủ cứ cố gắng mà chơi không phải tính toán. Nghĩa là động lực đối với HAGL xem như đã không còn. Trong thực tế, họ không buông xuôi, nhưng không có tâm lý quyết đấu, chơi hết mình, chơi đến cùng.

Không động lực thứ hạng, không còn vì lòng tự trọng, tự hào, không còn vì khán giả nhà và những người yêu mến trong cả nước-ấy là nguyên nhân đầu tiên trong sự chững lại của đội bóng phố Núi. Khác với họ, những Sông Lam Nghệ An, Nam Định vẫn cố gắng tranh chấp từng pha bóng, tranh đoạt từng cơ hội, từng điểm số để có thể có vị trí xứng đáng cuối mùa giải hoặc quyết trụ hạng. Cũng từ ASIAD trở về nhưng Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh ra thẳng sân đấu V.League, bị chấn thương phải tạm nghỉ và sau đó lại nhập cuộc.

Chuyện động lực tinh thần là thế, còn đấu pháp cũng vẫn là những gì đã quen thuộc đến cũ càng và mòn mỏi. Những trận đấu mở, người ta đã nhận thấy điều này từ lâu rồi. Chẳng phải vì HAGL chỉ chú trọng lối chơi tấn công mà vì họ không thể chơi phòng ngự, không có lực lượng đủ tin cậy để phòng thủ. Học viện HAGL-Arsenal JMG hầu như không đào tạo cầu thủ phòng ngự, lãnh đạo đội bóng biết thế và họ luôn tìm cách khắc phục chỗ yếu chết người này. Tiếc thay là sự dụng công vá đắp của họ không đến đầu đến đũa. Một vị trí thủ môn chẳng hạn, trong 4 năm qua chưa bao giờ HAGL có thể yên tâm. Trẻ như Văn Tiến, Rmah Sươ, từng trải như Tô Vĩnh Lợi... tất cả đều chơi dưới yêu cầu trong khi tiếc thay, Tuấn Mạnh phải rời phố Núi ra đi song lại trở thành thủ môn tin cậy hàng đầu V.League.

Không chỉ thủ môn mà cả hàng thủ, hết người này đến người khác, hết ngoại binh này đến ngoại binh khác đều thay nhau trở thành tội đồ. Họ không biết phối hợp, bọc lót cho nhau, họ không thể đối phó thành công trước các tình huống bóng bổng. HAGL luôn vào trận với tình cảnh chấp đối phương nguyên cả hàng thủ và chơi bóng bổng kém cỏi. Họ thua trận là tất yếu. Thực chất HAGL chưa phải là đội bóng với đầy đủ ý nghĩa. Và nguyên nhân do đâu nếu không phải là từ tầm nhìn, từ con mắt chưa đủ tinh tường cùng chiến lược thiếu rõ ràng, sáng suốt của ban lãnh đạo và các HLV.

Tất nhiên, mọi cố gắng của HAGL không phải đổ sông, đổ bể. Họ đã và vẫn đang tiếp tục tạo nên nhiều cầu thủ giỏi, một lối chơi ban bật kỹ thuật để kiểm soát trận đấu và tấn công đa dạng. Tuy vậy, sau 4 mùa bóng kiểm chứng có quá nhiều lý do để e ngại, lo lắng cho sự phát triển tiếp theo của đội bóng. Và sự chững lại của HAGL là bài học nhãn tiền về nhiều mặt cho tất cả mọi đội bóng.

Dư luận đã từng so sánh sự tiến bộ, thành công của lớp trẻ Hà Nội FC và thấy rõ sự khác biệt bởi có hay không sự dẫn dắt, kèm cặp của những cầu thủ đàn anh tài năng và kinh nghiệm. Không có Thành Lương, Văn Quyết, khó có thể có những Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu, Quang Hải... Không có HLV lớp lang, bài bản và tâm huyết như Phan Thanh Hùng, khó có thể có một HLV Chu Đình Nghiêm và các lứa cầu thủ cùng lối chơi đẹp, chắc và hiệu quả của Hà Nội FC hiện nay.

Nhìn rộng ra, một lứa trẻ Khánh Hòa đạt được sự trưởng thành, chắc chắn từ đâu? Những lứa trẻ của Sông Lam Nghệ An tại sao kế tiếp nhau giữ vững bản sắc, xung lực của một vùng đất truyền thống? Và Nam Định, Cần Thơ khó nhọc để trụ hạng? Bài học chững lại của HAGL còn giúp cho Viettel và các đội bóng trẻ khác sắp lên chơi ở V.League. Không có chiến lược đầu tư, phát triển chuẩn xác, không thường xuyên hun đúc, bồi dưỡng động lực, chẳng đội bóng nào có thành công lâu dài và bền vững./.

ANH NGUYỄN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/hoang-anh-gia-lai-chung-lai-bai-hoc-khong-cua-rieng-ai-550178