Hoãn xử vụ gian lận trong Kỳ thi THPT Quốc gia tại Hà Giang do thiếu nhân chứng

Sáng nay (18/9) TAND tỉnh Hà Giang đưa vụ án gian lận thi cử trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, phiên tòa đã phải hoãn do vắng nhiều nhân chứng.

Toàn cảnh phiên tòa sáng ngày 18/9.

Toàn cảnh phiên tòa sáng ngày 18/9.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử về hành vi lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm nên đã can thiệp, sửa bài thi và nâng điểm cho các thí sinh.

Cụ thể, Nguyễn Thanh Hoài (Nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Giáo dục thuộc Sở GD&ĐT Hà Giang) đã bàn bạc và thống nhất với Vũ Trọng Lương (Nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Giáo dục thuộc Sở GD&ĐT Hà Giang) về việc sửa bài thi và nâng điểm cho các thí sinh.

Sau đó, Hoài không trực tiệp can thiệp sửa kết quả bài thi của thí sinh mà đưa danh sách 93 thí sinh cho Lương để sửa chữa, nâng điểm. Lương đã trực tiếp nhận giúp nâng điểm cho 14 thí sinh.

Ngoài ra, Lương cũng là người thực hiện thao tác can thiệp trên máy tính để sửa kết quả của 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc bài thi (phiếu trả lời trắc nghiệm) của 107 thí sinh để nâng điểm.

Quá trình điều tra, CQĐT cũng xác định, Phạm Văn Khuông, cựu Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Giang đã Hoài nâng điểm cho con trai để đăng ký xét tuyển ĐH Y Thái Bình. Kết quả, con trai Khuông đã được nâng 13,3 điểm 3 môn thi trắc nghiệm.

Đối với Lê Thị Dung, cựu phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang cũng nhờ Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh. Còn Triệu Thị Chính, cựu Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Giang được xác định đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của trưởng ban chấm thi, vi phạm quy chế thi, đưa danh sách nhờ Hoài nâng điểm môn Ngữ văn cho 12 thí sinh và xem điểm cho 1 thí sinh.

Kết quả, 5 bị cáo nêu trên đã thực hiện hành vi sửa điểm cho 107 thí sinh. Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn, người thấp nhất là 2,2 điểm đối với 1 môn.

5 bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Hành vi phạm tội của 5 bị can nói trên đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gian lận trong thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém, tác động đến đạo đức xã hội, không còn sự công bằng trong xã hội…

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điểm a khoản 2 điều 356 BLHS.

Triệu Thị Chính bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” quy định tại điểm b khoản 1 điều 358 BLHS năm 2015.

Phạm Văn Khuông và Lê Thị Dung bị xét xử về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” quy định tại điềm b khoản 1 điều 366 BLHS năm 2015.

Phiên tòa sẽ diễn ra từ 8h sáng ngày 18/9, dự kiến kéo dài trong 2 ngày. HĐXX cũng triệu tập 176 người làm chứng và lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Giang.

Tuy nhiên, trong phần thủ tục, do 59 người làm chứng vắng mặt không có lý do nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa.

Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 14/10/2019.

Chí Tín

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/hoan-xu-vu-gian-lan-trong-ky-thi-thpt-quoc-gia-tai-ha-giang-do-thieu-nhan-chung-4034276-v.html