Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 được tổ chức vào sáng 2/5 đã diễn ra Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề: 'Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam'. Hội thảo chuyên đề do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức.

Hội thảo Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.

Hội thảo Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.

Doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số

Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Nền kinh tế số phát triển cùng với các hiện tượng mới nổi như công nghệ blockchain, nền tảng số, phương tiện truyền thông xã hội, DN điện tử, thương mại điện tử, nông nghiệp chính xác; các DN liên quan đến phát triển phần mềm, ứng dụng, phát triển nội dung số và truyền thông, các dịch vụ và đào tạo liên quan, cùng với các DN tham gia vào sản xuất và phát triển thiết bị công nghệ thông tin - truyền thông.

Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển mạnh mẽ của kinh tế số thì Việt Nam cũng đang phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh với sự phát triển nóng liên quan kinh tế số, trong đó có vấn đề nổi cộm về: khung pháp lý, an toàn, an ninh mạng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực ICT có chất lượng cao và cả việc triển khai ứng dụng CNTT nhằm phát triển chính phủ điện tử.

Vì vậy, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Ban tổ chức đã lựa chọn đưa chuyên đề “Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam” là một trong những nội dung quan trọng của Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hội thảo xoay quanh những vấn đề trọng tâm về phát triển nền kinh tế số Việt Nam như thiết lập mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế số; xây dựng và phát triển dữ liệu mở tại Việt Nam; giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; hợp tác công - tư trong phát triển hạ tầng số cốt lõi, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số; thiết lập xác thực - định danh điện tử tại Việt Nam và nhiều vấn đề liên quan đến các quy định pháp lý.

Theo ông Vũ Đại Thắng, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của tất cả các quốc gia; thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống xã hội, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp...

Dẫn nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), Thứ trưởng Thắng cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia) chỉ rõ, GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Ông Thắng nhấn mạnh, doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số. Ông bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp chủ động tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số và tham gia xây dựng các yếu tố nền tảng cho kinh tế số.

Về phía Chính phủ, ông Thắng cho biết, Chính phủ chủ động nghiên cứu và xây dựng các chính sách để Việt Nam có thể nhanh chóng khai thác các lợi ích tiềm năng này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có các chính sách phát triển kinh tế số.

"Các chính sách này sẽ hướng tới xây dựng các yếu tố nền tảng cần thiết để doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển đổi số thành công, nâng cao năng suất, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.

50% DN phải kinh doanh trên nền tảng số

Theo Ban tổ chức Hội thảo, trong những năm qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước coi sự chuyển dịch số rộng khắp nền kinh tế là yếu tố quan trọng để tiếp tục tăng trưởng và phát triển thịnh vượng. Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách và quan tâm đầu tư.

Hành động của Chính phủ được thể hiện qua các chính sách, kế hoạch tổng thể và chỉ thị được ban hành trong 30 năm qua, đã nhấn mạnh nhu cầu đầu tư vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, phát triển xây dựng ngành công nghệ thông tin - truyền thông, thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng KHCN nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển thịnh vượng như một cách thức để nâng cao năng suất.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam, Bộ đang xây dựng Đề án quốc gia về Chuyển đổi số, trong đó đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để chuyển đổi số nền kinh tế, xã hội, chuyển đổi số cơ quan nhà nước và một số ngành trọng điểm.

Trong lĩnh vực viễn thông, Bộ xây dựng chiến lược mới để nâng cao tính cạnh tranh, hướng dẫn các DN viễn thông sớm triển khai thử nghiệm công nghệ 5G. Hỗ trợ các DN viễn thông xây dựng, hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép dịch vụ Mobile Money.

Bộ cũng xây dựng các nghị định để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số. Cơ quan chủ quan cũng đang phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới để thiết lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 để thử nghiệm các chính sách mới.

Bên cạnh việc xây dựng những nền tảng ban đầu, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng cho biết đang chú trọng vào những giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh không gian mạng, tăng cường các giải pháp để chống mã độc, giảm các cuộc tấn công mạng từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang có đề án về chuyển đổi số quốc gia và giao Bộ Thông tin & Truyền thông chắp bút. Theo dự thảo lần một, phạm vi chuyển đổi số gồm 3 đối tượng chính là DN, cơ quan nhà nước và xã hội với 3 giai đoạn từ khi có hiệu lực đến năm 2022, 2022-2025 và 2025 - tầm nhìn 2030.

Theo ông Hưng, dự thảo đề ra mục tiêu đến năm 2025, 50% DN phải kinh doanh trên nền tảng số. Công nghiệp số phải đạt được khoảng 20% GDP công nghiệp số.

Đối với cơ quan nhà nước, 80% dịch vụ công ở mức độ 4 (mức cao nhất) và đa số giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý là trên môi trường số hóa.

Còn phạm vi toàn xã hội, dự thảo đề xuất mục tiêu tìm cách phổ cập năng lực số cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân truy cập hạ tầng số với chi phí phù hợp. Giá cước truy cập băng rộng chỉ khoảng dưới 2% thu nhập của người dân.

Tại hội thảo, các đại biểu, các DN tập trung thảo luận về bốn nhóm vấn đề chính: Đột phá đổi mới thể chế, chính sách, pháp luật; Phát triển và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; Đổi mới và phát triển hệ thống thể chế phù hợp.

Hội thảo dành phần lớn thời lượng cho đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện khu vực kinh tế tư nhân đối thoại chính sách, trao đổi về thực trạng, khó khăn, vướng mắc và hiến kế, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Trên cơ sở đó, kết thúc phiên Hội thảo, Ban Tổ chức tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của các tổ chức, hiệp hội, các doanh nghiệp để đưa ra báo cáo tại Phiên tổng thể chiều ngày 2/5 với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đồng thời, đây cũng là cơ sở lý luận và thực tiễn để giúp các cơ quan chức năng nghiên cứu, hoạch định chủ trương, chính sách tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc ban hành các Nghị quyết về phát triển nền kinh tế số và đặc biệt là Nghị quyết về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế số bao gồm: Quyết định số 392/QĐ-TTg (2015), đề ra mục tiêu phát triển CNTT tới năm 2020, tầm nhìn đến 2025; Quyết định số 149/QĐ-TTg (2016), đề ra mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng băng tần và viễn thông tới năm 2020; Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (năm 2017) do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành, về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.

T.Hiền

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/hoan-thien-the-che-va-cac-nen-tang-phat-trien-kinh-te-so-tai-viet-nam-104003.html