Hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước

Ngày 15/11, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng trung ương phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Hội thảo 'Xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế'. Các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động tập đoàn nhà nước.

Theo PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, mặc dù quá trình cổ phần hóa được đẩy mạnh, cùng với sự phát triển của khu vực tư nhân, DNNN vẫn là thành phần chính trong các ngành lĩnh vực, then chốt như tài chính, hạ tầng, chế tạo, năng lượng, khai khoáng. Thậm chí, ngày càng nhiều DNNN xuất hiện trong danh mục các công ty có quy mô nhất, nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường vốn ...

Trong khu vực DNNN, các tập đoàn kinh tế nhà nước có vai trò quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Việc hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước giúp nhà nước tập trung, kiểm soát các nguồn lực, cho phép phát huy lợi thế của kinh tế quy mô, khai thác ưu thế về thương hiệu, hoạt động đầu tư, thương mại, hệ thống dịch vụ đầu vào, đầu ra, nâng cao khả năng cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận trong tập đoàn. Các tập đoàn kinh tế nhà nước đảm nhận nhiệm vụ là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, là lực lượng, công cụ quan trọng để mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, giữ vai trò tiên phong đối với quá trình đổi mới khoa học và công nghệ quốc gia...

Quang cảnh Hội thảo

Thực tiễn triển khai thí điểm cũng như bước đầu điều hành các tập đoàn kinh tế cho thấy có những kết quả nổi bật. Các tập đoàn kinh tế trong thời gian qua đã cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình vận hành vẫn còn xảy ra tình trạng các tập đoàn kinh tế hoạt động kém hiệu quả, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước, hoạt động đầu tư bên ngoài lĩnh vực chính còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, trong lúc năng lực quản lý và khả năng tài chính còn hạn chế, thiếu kiểm soát chặt chẽ, làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp; chưa thực sự phát huy được vai trò nòng cốt trong nền kinh tế cũng như chưa làm tốt vai trò dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Viện phó Viện Chiến lược và Chính sách tài chính(Bộ Tài chính) cho rằng, khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính của nhà nước với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước trong công tác giám sát chưa cao. Mô hình quản lý phân tán còn làm cho DNNN phải thực hiện nhiều báo cáo cho nhiều cơ quan quản lý làm mất thời gian và gây chậm trễ trong việc nộp báo cáo.

Trước thực trạng trên, ông Đạt kiến nghị, cần nhanh chóng hoàn thiện bộ máy triển khai mô hình Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa được thành lập. Đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước cần đảm bảo theo thông lệ của thị trường và tuân thủ theo các quy định của pháp luật trong kinh doanh (nhận vốn của Nhà nước để kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận, gia tăng giá trị vốn của Nhà nước và chịu trách nhiệm đối với phần nhiệm vụ được giao, đồng thời tăng tính chủ động trong các quyết định đầu tư). Cần phải xem xét rõ nguyên tắc đầu tư và hoạt động kinh doanh đối với vốn Nhà nước là phải “bảo toàn và phát triển vốn” trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiểu như thế nào cho đúng, phù hợp.

Cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước cần được hoàn thiện lại để phù hợp với mô hình quản lý mới. Phải tiếp tục thống nhất quan điểm “quản lý vốn Nhà nước” thay cho quan điểm “quản lý tài sản Nhà nước” như trước đây. Theo đó, cơ chế quản lý tài chính sẽ tập trung vào khâu giám sát tài chính thông qua theo dõi, kiểm tra, thu thập thông tin để phân tích, đánh giá, cảnh báo rủi ro cho các TĐKT nhằm đảm bảo an toàn vốn Nhà nước.

Đánh giá câu chuyện quản lý vốn nhà nước, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, việc quản lý DNNN phải đảm bảo 2 mục tiêu: tạo lợi nhuận, phát triển vốn và làm đúng chính sách của nhà nước. Đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, DNNN phải đăng ký trên thị trường chứng khoán mới đo được tính minh bạch và hiệu quả. Các nước như Trung Quốc yêu cầu DNNN đăng ký trên thị trường chứng khoán trong nước và thị trường chứng khoán thế giới.

LH

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/kinh-te/hoan-thien-the-che-phat-trien-tap-doan-kinh-te-nha-nuoc-1261650.html