Hoàn thiện quy trình trồng nhân sâm Phú Yên

Ông Hoàng Xuân Lâm (áo trắng) giới thiệu với khách tham quan khu vực giâm cành nhân sâm Phú Yên - Ảnh: THÁI HÀ

Với mục tiêu bảo tồn nguồn gen quý, đồng thời tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt phục vụ sức khỏe người dân, kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung vừa thực hiện đề tài: “Nghiên cứu quy trình nhân giống nhân sâm Phú Yên (abelmoschus sagittifolius Kurz.) bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng khảo nghiệm theo tiêu chuẩn GACP-WHO”.

Bảo tồn dược liệu quý

Trong y học hiện đại, nguồn hợp chất thiên nhiên từ dược liệu quý được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm cũng như thực phẩm chức năng nhằm đáp ứng nhu cầu của con người về sức khỏe cũng như làm đẹp. Trên địa bàn tỉnh ta, trong số những cây dược liệu quý cần được bảo tồn có nhân sâm Phú Yên.

Nhân sâm Phú Yên có tên gọi khác là sâm bố chính, tên khoa học Abelmoschus sagittifolius, họ bông (Malvaceae). Theo Đông y, sâm bố chính có nhiều công dụng và từ lâu được người dân Việt Nam nói chung và người dân Phú Yên nói riêng sử dụng phối hợp với các vị thuốc khác để chữa ho, sốt, cơ thể suy nhược… Trước đây, Hải Thượng Lãn Ông (trong bộ sách Hải Thượng Y tông tâm lĩnh) dùng rễ sâm bố chính phối hợp với các vị thuốc khác để chữa ho, sốt nóng, gầy mòn. Còn theo từ điển Cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), bộ phận sử dụng của sâm bố chính là toàn bộ phần rễ củ. Rễ củ thu hoạch, sơ chế phơi hoặc sấy khô kết hợp với ý dĩ sao, hoài sơn, đương quy, mật ong hay mật nha dùng bổ khí huyết. Tại Phú Yên, sâm bố chính phân bố rộng khắp tại các xã An Hiệp, An Xuân, An Lĩnh, An Thọ (huyện Tuy An), An Phú (TP Tuy Hòa), Sơn Hà, Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa) và được trồng nhiều ở Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung cùng Trạm Thực nghiệm sinh học Hòa Quang.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng các loại dược liệu làm thuốc ngày càng tăng, trong khi dược liệu tự nhiên bị khai thác tận thu, diện tích rừng tự nhiên và đất nông nghiệp đang bị thu hẹp khiến cây nhân sâm Phú Yên đứng trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng về số lượng và tính đa dạng sinh học; có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng nếu không được bảo tồn và có các biện pháp phát triển nhân giống, gây trồng, quản lý khai thác và sử dụng hợp lý. Nhân sâm Phú Yên là cây dược liệu đang có tên trong đề án bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015-2020.

Để bảo tồn cây dược liệu này, những người thực hiện đề tài đã xây dựng quy trình nhân giống invitro cây nhân sâm Phú Yên; xây dựng quy trình trồng cây nhân sâm Phú Yên bằng phương pháp vô tính, hữu tính và sơ chế theo tiêu chuẩn GACP-WHO (Good Agricultural and Collection Practices - là các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới) cũng như xác định hàm lượng hợp chất chính trong nhân sâm Phú Yên. Bước đầu, những người thực hiện đề tài đã trồng khảo nghiệm nhân sâm Phú Yên với diện tích 500m2 tại chùa Long Sơn (thôn Phú Hòa, xã An Mỹ, huyện Tuy An). Kết quả trồng khảo nghiệm cho thấy hiệu quả kinh tế cây nhân sâm Phú Yên mang lại cao gấp 3 lần so với canh tác những cây trồng truyền thống.

Xây dựng thương hiệu, đầu tư phát triển thành sản phẩm

Nhân sâm Phú Yên là dược liệu quý nên sau khi bảo tồn được nguồn gen, việc tìm hướng phát triển để cây dược liệu này trở thành sản phẩm phục vụ chữa bệnh, sản xuất thực phẩm chức năng, làm đẹp… vẫn đang được những người thực hiện đề tài hướng đến.

Với định hướng phát triển để thương mại hóa sản phẩm, những người thực hiện đề tài đã xây dựng quy trình trồng nhân sâm Phú Yên theo tiêu chuẩn GACP-WHO, bởi GACP-WHO có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra nguồn nguyên liệu làm thuốc đạt các tiêu chuẩn.

Nói về tính cấp thiết của đề tài trên, bác sĩ Lê Bá Thính, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, cho rằng: “Nhân sâm Phú Yên là thành phần của nhiều bài thuốc hay được Đông y sử dụng. Tuy nhiên, vì là cây dược liệu nên yếu tố an toàn, chất lượng cần phải đặt lên hàng đầu. Kết quả của đề tài phục vụ thiết thực cho các cơ sở điều trị, nhất là Bệnh viện Y học cổ truyền nên chúng tôi mong muốn những người thực hiện đề tài tiếp tục ng­hiên cứu dược lý lâm sàng về cây nhân sâm Phú Yên”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp Sở NN-PTNT, hiệu quả kinh tế so với các cây trồng khác là thế mạnh của cây nhân sâm Phú Yên. Tuy nhiên, không thể vì thế mà phát triển một cách ồ ạt. Ông Phương cho biết: “Nhân sâm Phú Yên có lợi thế là có thể trồng được trên đất đồi, đất cát ven biển và theo ước tính của những người thực hiện đề tài có thể cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha. Trong khi đó, cây mía cho lợi nhuận 20 triệu đồng/ha, lúa 22 triệu đồng/ha, sắn 17 triệu đồng/ha. Về lợi ích kinh tế, có thể thấy nhân sâm Phú Yên vượt trội hơn các cây trồng truyền thống khác. Tuy nhiên, để phát triển rộng rãi cây trồng này, những người thực hiện đề tài cần dự báo về thị trường, đầu ra. Nếu có thị trường tiêu thụ mới khuyến khích người dân phát triển diện tích trồng”.

Khẳng định việc sản xuất nhân sâm Phú Yên ra thành phẩm để phục vụ sức khỏe người dân là bước đi tiếp theo của đề tài, ông Hoàng Xuân Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung, cho biết: “Đề tài kết thúc là phải ra sản phẩm; trong đó không phải một mà sẽ nhiều dạng sản phẩm: củ nhân sâm khô, củ thái phiến, củ cắt hạt lựu, bột… để có thể phục vụ cho các cơ sở y tế. Để làm được điều này, phía những người thực hiện đề tài sẽ tiếp tục xin chỉ đạo của các sở, ban ngành liên quan nhằm chuyển giao công nghệ trồng nhân sâm Phú Yên cho người dân cũng như có những bước đi tiếp theo để có thể cho ra sản phẩm phục vụ cuộc sống”.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/197261/hoan-thien-quy-trinh-trong-nhan-sam-phu-yen.html