Hoàn thiện pháp luật về phòng ngừa, xử lý tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ

Chiều nay, 4-10, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội tiếp tục Phiên họp toàn thể thứ 15, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Xuất hiện vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an thay mặt Cơ quan soạn thảo trình bày Tờ trình dự án Luật cho biết: Ngày 20-6-2017, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018.

Việc ban hành Luật này là bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của nhà nước, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội (TTATXH). Đồng thời cũng là một trong những cam kết của Việt Nam trong việc kiểm soát vũ khí, chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí với các nước trong khu vực và Liên Hợp Quốc.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên họp

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, quá trình tổ chức thực hiện Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Bộ Luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bộc lộ một số bất cập, khoảng trống trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.

Chẳng hạn, theo quy định hiện hành thì đang có khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng nên không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự đối với các hành vi trên từ ngày 1-7-2018.

Hành vi đặc biệt nghiêm trọng nhưng không thể xử lý hình sự

“Thực tiễn, trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm từ trước đến nay cho thấy đây là loại tội phạm nghiêm trọng, đa phần đối tượng có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng có nhân thân xấu; các loại vũ khí đối tượng sử dụng (súng ổ xoay, súng bút, súng tự chế bắn đạn hoa cải...) có tính sát thương cao, khi sử dụng thực hiện phạm tội với mục đích xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc lý giải.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức trình bày báo cáo thẩm tra

Theo đồng chí Thứ trưởng, nếu không khởi tố, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải trả tự do, miễn chấp hành hình phạt tù còn lại cho các đối tượng này sẽ làm gia tăng tình hình tội phạm sử dụng vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, ảnh hưởng xấu đến TTATXH; không đảm bảo tính răn đe nghiêm minh của pháp luật.

Vì vậy, để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, không để khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, ổn định trật tự an toàn xã hội thì việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là rất quan trọng và cần thiết.

Đề nghị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực UBQPAN cho rằng, một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định khác của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để đảm bảo chính xác, thống nhất về nội dung và kỹ thuật lập pháp.

Các đại biểu phát biểu tại phiên họp

Một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi bổ sung pháp luật hiện hành là cần thiết, song cần nghiên cứu, đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự. UBQPAN nhận thấy, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, kịp thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc hiện nay, trước mắt trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như đề nghị của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ làm rõ tính tối ưu của phương án sửa đổi Luật này thay vì sửa đổi, bổ sung Điều 304 Bộ luật hình sự.

UBQPAN cũng đánh giá hồ sơ dự án Luật cơ bản đầy đủ các loại tài liệu, phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38 và quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên bên cạnh đó còn ý kiến băn khoăn, đề nghị làm rõ một số khái niệm như vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, nội hàm của các tính năng và tính tương tích đối với các quy định pháp luật...

Lấp đầy khoảng trống, ngăn chặn hoạt động tội phạm

Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra dự án Luật ngồi lại với nhau để rà soát, điều chỉnh, lập luận cho chặt chẽ hơn, trên tinh thần ủng hộ phương án của Chính phủ bởi đây là vướng mắc, bức xúc cần tháo gỡ ngay. Để có thông tin đầy đủ cho ĐBQH thảo luận thì cần hoàn thiện hồ sơ dự án Luật; đồng thời giải trình rõ ràng, thuyết phục vì sao phải sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, việc lợi dụng những sơ hở trước đây rất hạn chế. Tuy nhiên trong điều kiện phát triển của đất nước, trên mạng xã hội thậm chí có những trang giới thiệu, hướng dẫn việc thu thập, sản xuất, lắp ráp vũ khí thô sơ. Các đối tượng phạm tội đã học và làm theo. Thực tiễn ở vùng biên giới các nước xung quanh, việc sản xuất vũ khí, vật liệu nổ rất giống vũ khí quân dụng.

Các đối tượng tội phạm lợi dụng khoảng trống của luật để phạm tội đối với các tổ chức tín dụng hoặc đe dọa, cướp tài sản của các tổ chức, cá nhân. Và đã có những trường hợp hoạt động hành công bằng các vũ khí như thế này. Khoảng trống trong thời gian vừa rồi đã gây nên việc bỏ lọt tội phạm, không xử lý được tội phạm và có số liệu cụ thể, rõ ràng. Do đó Chính phủ mong muốn Quốc hội thông qua dự án Luật này để việc quản lý xã hội đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả hơn và có biện pháp răn đe, ngăn chặn các hoạt động phạm tội...

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại phiên họp, đồng thời sẽ phối hợp với UBQPAN và các cơ quan hữu quan sớm chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Theo báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương, từ khi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực đến nay đã phát hiện, bắt giữ 230 vụ, 321 đối tượng liên quan đến hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.

Trong đó 11 vụ, 13 đối tượng phải đình chỉ khởi tố vụ án; 19 vụ, 32 đối tượng đã bị kết án, đang chấp hành hình phạt, chưa chấp hành hình phạt, đang hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt mà được miễn chấp hành hình phạt còn lại; 104 vụ, 157 đối tượng đã khởi tố điều tra (tuy có sử dụng vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng nhưng khởi tố với tội danh khác như: giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng...); 96 vụ, 119 đối tượng xử phạt hành chính.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/lap-day-khoang-trong-phap-luat-trong-xu-ly-toi-pham-su-dung-vu-khi-vat-lieu-no-564428/