Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tránh nguy cơ tham nhũng trong ngành giao thông vận tải

GTVT là một lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam và do đó thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có nguy cơ tham nhũng cao. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ngành GTVT luôn đứng trong top 5 tỷ lệ tham nhũng.

Đây là thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Tọa đàm khoa học “Đánh giá nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ ở Việt Nam”, do Viện Chiến lược và khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ GTVT và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP Việt Nam vừa tổ chức.

Theo kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, trong những năm gần đây, hơn một nửa số DN được khảo sát báo cáo phải trả chi phí không chính thức. Con số này năm 2019 là 53,6%, tuy thấp hơn các năm trước, nhưng vẫn khá cao.

GTVT là một lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam và do đó thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có nguy cơ tham nhũng cao. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ngành GTVT luôn đứng trong top 5 tỷ lệ tham nhũng. Mặc dù có nhiều nghiên cứu và điều tra liên quan đến tham nhũng, nhưng chưa có bất kỳ đánh giá rủi ro tham nhũng nào trong lĩnh vực GTVT nói chung và vận tải đường bộ nói riêng.

Tọa đàm Khoa học “Đánh giá nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ ở Việt Nam”. Ảnh: P.Thảo

Tọa đàm Khoa học “Đánh giá nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ ở Việt Nam”. Ảnh: P.Thảo

Chính vì vậy, Tọa đàm khoa học “Đánh giá nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ ở Việt Nam” đóng vai trò là bước đệm để khái quát tình hình tham nhũng và quy định về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đưa ra tham luận về thực tiễn và hạn chế, bất cập trong quản lý vận tải đường bộ và thực tiễn hoạt động kinh doanh cũng như vướng mắc của DN.

Giới thiệu về Nghiên cứu khảo sát đánh giá nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ ở Việt Nam, ông Nguyễn Việt Hoàng, chuyên gia UNDP cho biết, việc khảo sát đã phát hiện ra những yếu tố có thể mang đến nguy cơ tham nhũng có nguyên nhân từ đặc thù ngành nghề của hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ; từ sự phức tạp, không thống nhất, chồng chéo trong các quy định của pháp luật hiện hành; từ sự yếu kém trong quá trình thực thi pháp luật, thiếu hiệu quả của bộ máy quản lý và cả ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.

Ngoài ra, theo ông Hoàng, nguy cơ còn đến từ sự thiếu công khai, minh bạch thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải đường bộ. Đáng chú ý, ngoài những yếu tố trên còn có nguy cơ từ nhận thức và thái độ ứng xử của DN vận tải trong quan hệ với cơ quan công quyền.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) là văn bản mấu chốt nhất để thực thi các hoạt động vận tải đường bộ nhưng lại có khá nhiều bất cập, còn nghị định về kinh doanh vận tải đường bộ thì “rất dài, lằng nhằng”. Trong khi đó, ông Tạo cho rằng, luật phải rõ ràng, làm sao cho người viết luật, người thực thi luật và người chấp hành luật phải hiểu một khái niệm giống nhau.

Nói về kinh doanh vận tải đường bộ, ông Tạo cho rằng, chỉ cần quy định làm thế nào đảm bảo an toàn cho kinh doanh và bảo vệ môi trường, thu được thuế cho Nhà nước và tiện ích cho người dân sử dụng dịch vụ. Theo ông Tạo, đang có sự “loay hoay trong quản lý”, ví dụ như ô tô tải quy định phải dán chữ “ô tô chở hàng”, nếu không dán thì sẽ bị phạt tiền”, trong khi “đứa trẻ cũng biết đó là ô tô tải”. Ông Tạo cho rằng, trong điều kiện kinh tế hiện nay, cần giảm những thủ tục mang tính chất hình thức và tập trung vào những nội dung có tính bản chất, khách quan để từ đó có thể giảm tham nhũng.

Ví dụ về việc tổ chức giao thông, ông Tạo phân tích, lực lượng chức năng nhiều khi cứ mải mê xử phạt mà không xử lý được triệt để vấn đề. “Xe khách chở 45 người mà mới có được 10 khách đã đuổi người ta ra khỏi bến thì làm sao họ chịu nổi, vì thế họ phải chạy vòng vo để đón thêm khách. Hay xử phạt xe khách chở quá số người, về công nghệ thiếu gì cách giám sát, cần gì CA ra đếm người, mà lắp đặt thiết bị rồi từ đó xử phạt, đảm bảo khách quan, không có tiêu cực…

Cho rằng các văn bản quản lý vận tải đường bộ thiên nhiều về hình thức và thủ tục hành chính, rất phức tạp nên nhiều DN dễ vi phạm và từ đó dễ dẫn đến tiêu cực, tham nhũng, ông Tạo kiến nghị, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong công tác quản lý để đảm bảo khách quan, minh bạch, từ đó tránh được tham nhũng…

TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ nhìn nhận, nghiên cứu về nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ ở Việt Nam nếu được thực hiện thành công sẽ có ý nghĩa quan trọng để hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vận tải.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hoan-thien-khuon-kho-phap-ly-de-tranh-nguy-co-tham-nhung-trong-nganh-giao-thong-van-tai-220454.html