Hoàn thiện hồ sơ để được xác nhận là thương binh

Ông Lê Hoàng Minh, trú quán tại xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, trình bày: 'Tôi nhập ngũ vào tháng 7-1975; cấp bậc, chức vụ khi xuất ngũ là thượng sĩ, trung đội trưởng; đơn vị tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 218, Trung đoàn 14, Sư đoàn 339, Quân đoàn 4 (nay là Sư đoàn BB8, Quân khu 9).

Tôi bị thương ngày 20-7-1979, khi tham gia chiến đấu tại huyện Lếch, tỉnh Pun Sát, Campuchia. Sau khi được đơn vị giải quyết phục viên vào tháng 8-1982, do kinh tế gia đình khó khăn nên tôi chưa có điều kiện giám định thương tật. Đến năm 2008, tôi có đến đơn vị cũ để làm thủ tục xác nhận thương binh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.

Theo quy định tại Điều 30, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ, việc giám định lại thương tật đối với người bị thương được thực hiện trong những trường hợp sau: Người bị thương được kết luận thương tật tạm thời thì sau ba năm được giám định để xác định tỷ lệ thương tật vĩnh viễn; người bị thương đã giám định thương tật mà bị thương tiếp thì được giám định bổ sung và tổng hợp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ ưu đãi; người bị thương đã giám định thương tật nhưng còn sót vết thương chưa giám định thì được giám định bổ sung và tổng hợp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ ưu đãi.

Tuy nhiên, theo trình bày, trường hợp của ông Lê Hoàng Minh sau khi phục viên chưa giám định thương tật theo quy định mà đến năm 2008 mới lập hồ sơ để hưởng chế độ chính sách. Căn cứ Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22-10-2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng ban hành, quy định để xác nhận thương binh “phải có danh sách những người bị thương và hy sinh trong trận chiến đó”. Bởi vậy, đề nghị ông Minh liên hệ với đơn vị cũ xin sao lại danh sách người bị thương và hy sinh trong chiến đấu và hoàn thiện hồ sơ để được hưởng chế độ chính sách theo quy định.

QĐND

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoan-thien-ho-so-de-duoc-xac-nhan-la-thuong-binh-555690