Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý người nước ngoài

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra.

Trong đó có nhiều quy định được nhận định, sẽ góp phần tạo điều kiện về thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước với lĩnh vực này.

 Người nước ngoài làm thủ tục xin visa tại sân bay Nội Bài.

Người nước ngoài làm thủ tục xin visa tại sân bay Nội Bài.

Sau hơn 4 năm thực hiện Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47), việc sửa đổi Luật để cập nhất chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Trong đó, liên quan đến nội dung về giá trị sử dụng của thị thực vẫn còn ý kiến khác nhau, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định tại Luật số 47 là “thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần và không được chuyển đổi mục đích”, nhằm tránh trình trạng lạm dụng.

Nhiều ý kiến khác tán thành với quy định và điều kiện rõ ràng như đã thể hiện trong Dự Luật. Đó là những trường hợp có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam; có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với người đề nghị; được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc hoặc vào bằng thị thực điện tử và đã có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Theo đánh giá của Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng, với điều kiện quy định như Dự Luật thể hiện sự thông thoáng, nhưng chặt chẽ trong quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam. Điều này sẽ hạn chế tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi mục đích khác, bảo đảm yêu cầu công tác quản lý Nhà nước.

Các ý kiến cũng đề nghị quy định chặt chẽ về trường hợp được miễn thị thực, hay quy định đơn phương miễn thị thực... để tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh, song cũng tránh tiềm ẩn nguy cơ dễ bị lợi dụng để vi phạm pháp luật.

Trong đó, một nội dung cũng được nhiều sự quan tâm là quy định thị thực cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Dự Luật đã có quy định về giá trị góp vốn để tránh tình trạng người nước ngoài chỉ góp số vốn nhỏ vào DN (dưới 10 triệu đồng) để xin cấp thẻ tạm trú ký hiệu ĐT (cấp cho nhà đầu tư nước ngoài, luật sư), thời hạn lên đến 5 năm.

Quy định này có thể dẫn đến nhiều trường hợp góp vốn chỉ mang tính hình thức “cho có” để làm căn cứ xin cấp thẻ tạm trú ký hiệu ĐT. Nhấn mạnh “mở cửa” để thu hút đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính để bảo đảm điều kiện, thủ tục “thông thoáng” là tất yếu, tuy vậy, cũng cần hết sức thận trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng: Nếu thông thoáng quá cũng dễ bị các đối tượng lợi dụng để làm những điều khuất tất, hoặc đối phó với pháp luật. Trên thực tế đã xảy ra “việc này, việc khác”. Do vậy, Dự Luật cần nghiên cứu, chỉnh lý để các quy định vừa bảo đảm thông thoáng, đơn giản nhưng phải bảo đảm chặt chẽ, không bị lợi dụng.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hoan-thien-he-thong-phap-luat-ve-quan-ly-nguoi-nuoc-ngoai-354366.html