Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tổ chức và hoạt động tư pháp

Sáng nay, 16-10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn sau năm 2020.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng BCĐ Đề án Tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW và đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tóa án nhân dân tối cao, Ủy viên BCĐ Cải cách tư pháp Trung ương, Phó trưởng BCĐ Đề án Tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW, đồng chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có các đồng chí là thành viên BCĐ Đề án; đại diện lãnh đạo một số cấp ủy, cơ quan tổ chức ở Trung ương; Ban Nội chính Tỉnh ủy một số tỉnh, thành phố; các nhà khoa học, các chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm, thực tiễn chuyên sâu, tâm huyết trong công tác cải cách tư pháp...

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu khai mạc hội thảo

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khẳng định, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp là chủ trương lớn của Đảng, xác định rõ mục tiêu của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN); hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”; đồng thời đề ra 5 quan điểm, 4 phương hướng và 8 nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị đã 3 lần tiến hành sơ kết, tổng kết và lần này là tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết. Theo đồng chí Phan Đình Trạc, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết, công tác cải cách tư pháp của nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển, bảo vệ đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Tuy nhiên, qua khảo sát tại 13 cơ quan, đơn vị ở Trung ương, địa phương và báo cáo tổng kết của các cấp ủy, tổ chức đảng thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần đánh giá, làm rõ, từ đó đề ra mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Trí Viễn trình bày chuyên đề tại hội thảo

Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị các đại biểu dự hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá ưu điểm, kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, nhất là về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động tư pháp; về tổ chức, bộ máy, chất lượng hoạt động tư pháp.

Bên cạnh đó, đánh giá về hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết; về yêu cầu khách quan của cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Phan Đình Trạc cũng đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá về mục tiêu, quan điểm cải cách tư pháp giai đoạn 2020 – 2035, cần bổ sung nội dung gì để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Về phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn sau năm 2020; về kiện toàn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra; về xây dựng, hoàn thiện chế định bổ trợ tư pháp; về xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh, về hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan tư pháp; về bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp...

Toàn cảnh hội thảo

Sau khi nghe PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên Thường trực BCĐ Cải cách tư pháp Trung ương trình bày chuyên đề “Những yêu cầu khách quan của cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt XHCN phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế; mục tiêu, quan điểm, phương hướng cải cách tư pháp giai đoạn sau năm 2020, các đại biểu dự hội thảo đã tiến hành trao đổi, thảo luận.

Hội thảo được tổ chức trong vòng 1 ngày, nhằm xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học, trên cơ sở đó hoàn thiện Đề án Tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW trình Bộ Chính trị (dự kiến vào cuối tháng 12-2019).

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/hoan-thien-he-thong-phap-luat-lien-quan-to-chuc-va-hoat-dong-tu-phap-565791/