Hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0

Theo Thủ tướng, một trong những yêu cầu cấp bách trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệp 4.0 là xây dựng, đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Chiều 24/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam".

Theo Thủ tướng, một trong những yêu cầu cấp bách trong bối cảnh cuộc cách mạng CN 4.0 là xây dựng, đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Theo Thủ tướng, một trong những yêu cầu cấp bách trong bối cảnh cuộc cách mạng CN 4.0 là xây dựng, đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Cùng tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ ngành trung ương, chính quyền các địa phương, đại diện các doanh nghiệp công nghệ, các chuyên gia, nhà khao học, các chuyên gia luật...

Các chuyên gia tham dự hội thảo đã trình bày và có bài viết giàu tính thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, nêu lên những thách thức về các vấn đề pháp lý đối với Việt Nam trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng.

Theo đó, các chuyên gia đặt vấn đề cần hiểu cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để từ đó xác định được những tác động đối với việc xây dựng chính sách pháp luật. Cùng với đó là chủ động chuyển đổi chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ; đổi mới tư duy xây dựng pháp lý; yêu cầu định hướng hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ; các vấn đề pháp lý về hợp đồng điện tử; các mô hình kinh doanh mới; bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng; xây dựng đô thị thông minh; xây dựng chính phủ điện tử...

Với bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, rô bốt cao cấp, công nghệ in 3D, vật liệu tiên tiến, công nghệ nano, sẽ tạo ra sự thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi mô hình quản trị không chỉ của doanh nghiệp mà còn của Nhà nước, thay đổi thói quen của xã hội.

Thành tựu của cuộc cách mạng lần thứ tư cũng tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới và phổ biến nhất hiện nay là kinh tế chia sẻ. Trong khi đó, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh của Việt Nam lại chưa có quy định đầy đủ về các mô hình kinh doanh mới. Điều đó gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Trong bối cảnh khung pháp lý chưa hoàn thiện, đề cập đến mô hình môi trường thử nghiệm cho kinh tế chia sẻ, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tienphong cho rằng, mô hình môi trường thử nghiệm (gọi là Sandbox) cho các ứng dụng công nghệ mới có ảnh hưởng phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro phá vỡ quy định hiện hành của Nhà nước.

Thủ tướng phát biểu tại Hội thảo

Do đó, để đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước về “Sandbox”, cơ quan quản lý cần giới hạn phạm vi và thời gian triển khai công nghệ trong Sandbox; áp dụng biện pháp nhằm hạn chế phạm vi ảnh hưởng của ứng dụng công nghệ trong trường hợp xảy ra lỗi. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn an ninh tiền tệ, tài chính, cơ quan quản lý cần đề ra các tiêu chí lựa chọn các tổ chức tín dụng, công ty tài chính và ứng dụng công nghệ được phép tham gia Sandbox.

Cũng có chuyên gia cho rằng, việc hàng loạt câu hỏi về khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư, kinh doanh, quản lý tiền ảo/tiền mã hóa…vẫn còn bỏ ngỏ ở Việt Nam như hiện nay thì đây chính là mảnh đất màu mỡ để “rủi ro” len lỏi khắp các ngõ ngách trong cuộc sống. Khoảng trống pháp luật đã tạo ra “đất” để một số loại tội phạm thực hiện các giao dịch phi pháp qua các hình thức kinh doanh, gọi vốn, mua bán tiền mã hóa trá hình mà vụ đổ bể tiền ảo iFan gây chấn động vừa qua là một ví dụ.

Do đó, cơ quan quản lý nếu xây dựng mô hình môi trường thử nghiệm Sandbox thì cần dựa trên quan điểm doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm để không làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các chuyên gia, nhà quản lý đã nêu nhiều nội dung cấp bách đối với đất nước về pháp lý trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội nếu ứng dụng hiệu quả công nghệ lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng Thủ tướng cũng nêu ra các thách thức đối với nước ta về trình độ khoa học công nghệ có khoảng cách khá xa so với các quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á; hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp còn ít; chưa có môi trường chính sách pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nêu lên những thách thức đó, Thủ tướng cho rằng, một trong những yêu cầu cấp bách trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là xây dựng, đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.

Cho rằng, đây chính là cơ hội lịch sử mà những người làm công tác pháp luật cần tích cực dấn thân, Thủ tướng yêu cầu đối với hệ thống pháp luật và thực thi là phải đảm bảo phát triển bền vững, an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia. Lấy quyền và lợi ích công dân làm trọng tâm; thúc đẩy khoa học công nghệ tiên tiến, khả năng đổi mới sáng tạo và xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao; đảm bảo quản lý nhà nước trên không gian mạng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan trong đó có an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân.

"Chúng ta cần nhận diện chính xác những vấn đề pháp lý phát sinh để kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thực tế hàng ngày đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và thay đổi không ngừng. Đặc biệt, khi công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư biến những vấn đề pháp lý quốc tế trở thành những vấn đề pháp lý của quốc gia và ngược lại", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng lấy ví dụ, trong khi chúng ta đang nghiên cứu các giải pháp chính sách, cơ chế pháp luật để điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ; về khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ lợi ích chung của cộng đồng; về quyền sở hữu đối với các loại tài sản mã hóa; về hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo…, thì mới đây Facebook công bố và chuẩn bị phát hành đồng tiền điện tử Libra (ngày 18/6/2019), được nhiều hãng thanh toán và công ty công nghệ lớn hỗ trợ. Những vấn đề này sẽ tác động trực tiếp tới chúng ta, đòi hỏi phải có phản ứng chính sách tức thời và có giải pháp pháp lý phù hợp.

Thủ tướng cũng cho biết sáng cùng ngày đã trực tiếp khai mạc e-Cabinet, một nội dung quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới là Chính phủ số, đồng thời nêu rõ, tới đây sẽ có những chỉ đạo mang tầm chiến lược về chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để hướng tới một Việt Nam số (gọi tắt e-Vietnam) trong đó tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải hướng tới kết nối số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phải thay đổi không ngừng để thích nghi với môi trường số hóa.

Trước mắt, chúng ta cần nhanh chóng xây dựng khung chính sách đối với các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, mô hình kinh tế chia sẻ, giao dịch, quản lý các tài sản kỹ thuật số hay tài sản mã hóa, các hình thức đầu tư mạo hiểm, các phương thức thanh toán mới,...

Thủ tướng cũng lưu ý, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng lần thứ tư cũng liên quan trực tiếp đến quá trình hoạch định, xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Do đó cần đẩy mạnh việc xây dựng chính phủ số, nền quản trị số, và hệ thống đô thị thông minh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực pháp luật cũng cần kịp thời bắt kịp với những xu thế mới của phát triển công nghệ.

Cũng theo Thủ tướng, những công nghệ tiên tiến của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể ứng dụng được trong chính quá trình thực thi thể chế, pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Các công nghệ tiên tiến sử dụng cảm biến thông minh, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật... hoàn toàn có thể ứng dụng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật để kịp thời ngăn ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý Nhà nước, khắc phục hiện tượng “nhờn” luật còn khá phổ biến trên một số lĩnh vực đang gây bức xúc xã hội diễn ra trong thời gian qua.

Thủ tướng cũng cho rằng, cần ủng hộ về nguyên tắc việc triển khai các mô hình kinh doanh mới. Không vì lý do không quản lý được về công nghệ mà cản trở việc ứng dụng công nghệ mới mà phải kịp thời nâng cao năng lực quản lý, theo kịp với những biến chuyển rất nhanh của tình hình mới./.

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/hoan-thien-he-thong-phap-luat-de-phu-hop-voi-cach-mang-cong-nghiep-40-924649.vov