Hoàn thiện hệ thống pháp luật để phòng chống nạn buôn bán người

Mặc dù đã xây dựng và ban hành được khung pháp lý cơ bản để phòng chống tình trạng buôn bán người, tuy nhiên so với tình hình thực tiễn, vẫn cần phải rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật đồng bộ hơn để bảo vệ nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Đây không chỉ là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà được đưa ra tại một hội thảo gần đây mà là đề xuất chung của nhiều chuyên gia trước tình hình mua bán người trên thế giới, khu vực ngày càng diễn biến phức tạp.

Thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt

Theo báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNOCD), tình hình mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép từ châu Phi, Trung Đông sang châu Âu.

Trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực…, nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân. Tổ chức WHO công bố mỗi năm có khoảng gần 10.000 ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm buôn người. Riêng khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (trong đó có Việt Nam) được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp, ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ đô la/ năm.

Tại Việt Nam, tình trạng mua bán người có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng tội phạm hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt: Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường phổ thông, đại học; thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…) các đối tượng tiếp cận, rủ rê với nhiều phương thức… để lừa bán làm vợ, đẻ thuê, ép buộc làm mại dâm, cưỡng bức lao động…

Tuyên truyền phòng chống tội phạm buôn bán người ở vùng đồng bào dân tộc tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: TTXVN.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ, từ năm 2012 – 2017, lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu và tiếp nhận khoảng 7.500 người. Qua điều tra, rà soát cho thấy hơn 90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em; hơn 80% nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số, trình độ học vấn, nhận thức, tiếp cận thông tin ít hơn và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; hơn 70% nạn nhân làm nông nghiệp hoặc không có việc làm; 37,2% không biết chữ và khoảng 6,8% nạn nhân là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên. Hơn 98% nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài. Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục (gần 80%).

Lấp lỗ hổng về pháp luật

Theo ông Nguyễn Văn Tráng, Phó trưởng phòng Phòng phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, hiện nay công tác phòng chống mua bán người vẫn còn một số vướng mắc. Trong đó, dù Bộ luật Hình sự 2015 quy định điều 150 về tội mua bán người và điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi song đến nay vẫn chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện các điều luật trên.

Cùng với đó, hiện cũng chưa có lực lượng chuyên trách làm công tác phòng, chống tội phạm mua bán người ở địa phương, phần lớn là kiêm nhiệm. Kinh phí phục vụ cho công tác này còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, nạn nhân sau khi bị lừa bán trở về ít trình báo, bất hợp tác với cơ quan công an vì các lý do như mặc cảm, sợ bị trả thù dẫn đến công tác xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ xử lý đối tượng gặp nhiều khó khăn...

Từ những thực tế trên, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm mua bán người, ông Nguyễn Văn Tráng cho rằng, cần sớm nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về phòng, chống mua bán người, nhất là các văn bản liên quan đến các lĩnh vực xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài. Cùng với đó là thực hiện có hiệu quả việc trao trả, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Cũng thừa nhận hệ thống pháp luật về vấn đề hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về khá hoàn chỉnh, tuy nhiên khi triển khai ở thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập, ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng cần sớm bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật. Đáng chú ý là việc sửa đổi Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội năm 2005 theo hướng miễn trừ trách nhiệm hành chính cho nạn nhân bị mua bán trong một số trường hợp như bán dâm, xuất nhập cảnh trái phép...

Về mức hỗ trợ cho người mua bán trở về, ông Lê Đức Hiền khẳng định, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu cho Chính phủ để nâng mức hỗ trợ, bổ sung một số chế độ chính sách khác cho những đối tượng này để họ tái hòa nhập cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cũng cho rằng, trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc trong công tác phòng chống mua bán người nói chung và công tác tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng. Từ tháng 1 năm 2012, Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan đã ban hành hệ thống văn bản, chính sách có tính đồng bộ hơn, khả thi hơn, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn để tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến với nhiều phức tạp, cũng cần đề xuất bổ sung, hoàn thiện những chính sách pháp luật cần thiết để đáp ứng thực tiễn.

BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/hoan-thien-he-thong-phap-luat-de-phong-chong-nan-buon-ban-nguoi-549483