Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật cho ngành dầu khí

Mặc dù gặp nhiều thách thức, nhưng trong 11 tháng năm 2018, tổng sản lượng khai thác quy dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt 22,1 triệu tấn, hoàn thành 96,8% kế hoạch năm. Sản lượng sản xuất điện, xăng dầu và đạm đều đạt chỉ tiêu đề ra. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 542.344 tỷ đồng, vượt 2,2% kế hoạch năm.

Ông Nguyễn Hùng Dũng, thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, cũng trong 11 tháng qua, Tập đoàn đã nộp ngân sách nhà nước hơn 108.122 tỷ đồng, vượt 46,5% kế hoạch năm; lợi nhuận đạt được 45.561 tỷ đồng, tăng 88% so với kế hoạch.

Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, sự vận dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý chỉ đạo điều hành, cải cách và tái cấu trúc toàn bộ bộ máy của Tập đoàn và các đơn vị.

Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035, về giải pháp vốn để thực hiện chiến lược này cho ngành, hiện Tập đoàn mới chỉ được giữ lại 28% lãi từ dầu để thực hiện chính sách quốc phòng, trong khi Nghị quyết 41 quy định để lại 32% lãi dầu thực hiện tái đầu tư, mở rộng sản xuất, để lại 100% lãi dầu từ Liên doanh Vietsovpetro để thực hiện việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, để lại 100% vốn từ quá trình cổ phần hóa để cho ngành dầu khí.

Tại cuộc tọa đàm "Dầu khí Việt Nam phát triển cùng đất nước" tổ chức ngày 13/12, khi nhìn nhận về những khó khăn cản trở tốc độ phát triển của ngành trong việc hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết 41-NQ/TW, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (khóa XIII) Trần Văn cho rằng hoàn thiện các thể chế theo tinh thần Nghị quyết 41 cần được đẩy mạnh. Theo ông Văn, đây là nút thắt lớn nhất, bởi quy mô của ngành dầu khí từ khâu thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn đòi hỏi yêu cầu đồng bộ hài hòa thống nhất của nhiều luật, như Luật Dầu khí, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng cần cụ thể hóa một số chính sách, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp trong ngành hoạt động linh hoạt. Theo ông Phong, hiện nay cơ chế hạch toán chấp nhận chi phí rủi ro trong tìm kiếm thăm dò dầu khí chưa có. Các chính sách công cụ bảo hộ hợp lý trong xu thế toàn cầu hóa hội nhập quốc tế sâu rộng như hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực dầu khí chậm ban hành. Cơ chế trích lợi nhuận để tái đầu tư và phát triển đầu tư mới có chủ trương nhưng chưa được cụ thể hóa. Do vậy, cần được cụ thể hóa theo cơ chế để vừa đúng chủ trương vừa tạo ra được nguồn lợi tài chính.

Là một trong những trụ cột của nền kinh tế của đất nước, thực hiện vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, trước năm 2015, PVN đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách nhà nước, 18-25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, mặc dù có thời điểm giá dầu thô giảm mạnh còn 30% so với giá dầu trung bình giai đoạn 2010-2015, nhưng nộp ngân sách nhà nước của ngành vẫn chiếm 9-11% tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương.

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đề nghị cần sớm hoàn thiện các chính sách pháp luật đồng bộ, nếu không, một số chỉ tiêu quan trọng phát triển của ngành đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 theo Nghị quyết số 41-NQ/TW sẽ khó đạt được như mục tiêu tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí.

Các ý kiến cũng cho rằng PVN cần xây dựng các danh mục dự án, kêu gọi đầu tư nước ngoài hướng đến những nhà đầu tư lớn như Nga, Nhật Bản, Mỹ, đồng thời hoàn thiện quy hoạch phát triển, tìm kiếm thăm dò, khai thác có tính ổn định, khả thi.

Hoa Trinh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/hoan-thien-he-thong-chinh-sach-phap-luat-cho-nganh-dau-khi/354538.vgp