Hoàn thiện hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy

Ngày 13-11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về giám sát tối cao đối với chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018. Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nhận định, đánh giá và đề xuất, kiến nghị được nêu trong báo cáo kết quả giám sát và dành sự quan tâm đặc biệt đối với trách nhiệm để xảy ra tình trạng cháy, nổ thời gian vừa qua.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018. Ảnh: Đức Nghĩa

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018. Ảnh: Đức Nghĩa

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, trong năm qua đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng, trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng và đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của con người. “Nhiều nông dân có thói quen đốt rẫy, làm nương, mặc dù không cố tình gây ra những đám cháy lớn, nhưng do không đủ kiến thức về PCCC nên đã vi phạm pháp luật. Hậu quả là chúng ta mất rừng, còn những người nông dân gây ra vụ cháy thì phải vào tù... Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể phòng, tránh được những hậu quả đáng tiếc nếu tích cực thông tin tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức của người dân" - Đại biểu Thanh Hóa nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo các đại biểu, một vấn đề rất quan trọng nữa là việc bảo đảm thực thi pháp luật PCCC đang đặt ra nhiều thách thức cần phải chấn chỉnh.

Báo cáo của đoàn giám sát đã chỉ rõ, hiện nay còn 2.662 công trình nguy hiểm cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế, hoặc đã được thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Tính đến tháng 7-2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, thực trạng PCCC được Đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra không mới, nguyên nhân cũng không bất ngờ song đã cho thấy cái nhìn toàn thể đối với thực tế hiện nay.

“Việc thể hiện tầm quan trọng của công tác PCCC không chỉ thể hiện ở Nghị quyết, trên văn bản, mà phải cụ thể bằng hành động, cách làm cụ thể. Theo đó, công tác phòng cháy, chữa cháy cần xác định “phòng là chính”, đặc biệt phải có những giải pháp ngăn ngừa từ các bên liên quan, từ cơ quan chức năng và nhất là người dân… Do đó, đại biểu kiến nghị, trong Nghị quyết của Quốc hội phải làm rõ tính chủ động của các cá nhân, đơn vị trong phòng, chống cháy nổ” - Đại biểu Đồng Tháp nhấn mạnh.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị, đã đến lúc nhìn thẳng vào thực trạng PCCC hiện nay để thấy những lỗ hổng cần phải truy trách nhiệm, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Bởi qua hoạt động giám sát cho thấy sự chồng chéo, bất cập, thiếu thống nhất, sự lạc hậu của các quy định pháp luật, không chỉ quy định pháp luật trực tiếp về PCCC mà cả các quy định liên quan ở đối tượng xây dựng, giao thông, điện lực. Đây là nguyên nhân khiến các địa phương lúng túng trong thực hiện.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) đề nghị, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ đưa ra thời gian, giải pháp và lộ trình cụ thể để giải quyết, xử lý những vi phạm pháp luật về PCCC, đặc biệt là những công trình, doanh nghiệp vi phạm. Dự thảo Nghị quyết cũng cần đề cập tới lộ trình xây dựng các lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy gồm: Lực lượng dân phòng; lực lượng PCCC chuyên ngành; lực lượng chữa cháy cơ sở. Ba lực lượng này đáp ứng yêu cầu về "4 tại chỗ" trong PCCC, nhưng hiện nay quân số của 3 lực lượng này chưa đủ, nhiệm vụ chưa bảo đảm, việc diễn tập, nâng cao kỹ năng còn hạn chế.

Đại tướng Tô Lâm giải trình tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC. Ảnh: Đức Nghĩa

Giải trình tại phiên thảo luận, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp thu toàn bộ những ý kiến của đại biểu, tiếp tục tham mưu, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến trong công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham mưu cho Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện khá đầy đủ, ngoài luật, nghị định, thông tư còn có gần 200 tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC.

Bộ Công an cũng đã tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 47-CT/TW ngày 25/6/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC. Đồng thời, nghiên cứu quy luật, từ kinh nghiệm các nước để có các giải pháp phòng cháy” - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh.

Phạm Diệu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-nang-cao-hieu-qua-phong-chay-chua-chay/