Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thư viện

Dự án Luật Thư viện đang được Bộ VHTT&DL xây dựng. Tại cuộc làm việc của Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên & nhi đồng của Quốc hội với Bộ vừa qua, nhiều điểm mới được đề xuất trong Dự Luật được đánh giá cao.

Ảnh minh họa.

Thúc đẩy phát triển hệ thống thư viện

Theo đánh giá của Bộ VHTT&DL, Pháp lệnh Thư viện có hiệu lực thi hành từ năm 2001 đã mở ra thời kỳ phát triển mới của thư viện Việt Nam. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL), sau 18 năm thi hành, Pháp lệnh cũng như văn bản hướng dẫn đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Quy định về chính sách của Nhà nước đối với thư viện còn chung chung; chưa đưa ra chính sách tập trung phát triển loại thư viện cần được ưu tiên đầu tư như thư viện công cộng - một thiết chế rất cần thiết phục vụ cho việc học tập suốt đời, liên tục của người dân, hoặc thư viện trong các trường phổ thông nhằm xây dựng, hình thành thói quen đọc cho trẻ em ngay từ lúc biết đọc, biết viết...
Nhiều ý kiến cho rằng, Pháp lệnh cũng chưa điều chỉnh toàn diện các hoạt động thư viện, nhiều nội dung quan trọng còn quy định tản mạn ở nhiều văn bản dưới Pháp lệnh như: Quy định về hệ thống thư viện ngoài công lập (thư viện tư nhân, tủ sách gia đình, dòng họ, tủ sách học sinh, tủ sách của các tổ chức tôn giáo, thư viện có yếu tố nước ngoài) còn thiếu hoặc chưa rõ ràng. Quy định về thư viện số cũng chưa được đề cập. Xuất bản phẩm điện tử đang đặt ra yêu cầu mới liên quan đến công tác bổ sung, xử lý, bảo quản, lưu thông vốn tài liệu thư viện dưới dạng số hóa. Đồng thời, hiện vẫn thiếu quy định về thẩm quyền thành lập thư viện, thủ tục đăng ký hoạt động thư viện, trách nhiệm của tổ chức chủ quản, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thư viện...
Việc nâng lên thành Luật được nhận định là cần thiết nhằm phát huy đầy đủ các chức năng của mạng lưới thư viện trong việc cung cấp thông tin và tri thức cho người sử dụng.
Nhiều điểm mới được đề xuất
Về những nội dung chủ yếu của Dự án Luật Thư viện, lãnh đạo Bộ VHTT&DL cho biết, ngoài hệ thống thư viện công lập, Dự Luật cho phép cá nhân, tổ chức Việt Nam thành lập thư viện, tham gia cung cấp các dịch vụ công trong hoạt động thư viện; cá nhân và tổ chức nước ngoài được thành lập và tham gia một số hoạt động thư viện có phục vụ cho người Việt Nam.
Dự Luật cũng quy định mở rộng và đa dạng hóa các loại hình, mô hình khác nhau như thư viện tư nhân, thư viện có yếu tố nước ngoài có phục vụ người Việt Nam, thư viện số, xem xét đến thư viện của các tổ chức tôn giáo, thư viện của các DN, thư viện, tủ sách dân lập… Đồng thời, ghi nhận các mô hình phòng đọc sách, tủ sách cơ sở nhằm tăng cường cho mạng lưới thư viện cấp huyện, xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Bên cạnh đó, đổi mới quản lý, phương thức hoạt động nhằm phát huy hiệu quả của mạng lưới thư viện theo hướng đảm bảo tính minh bạch, cơ chế xử lý toàn diện đối với thư viện và bảo vệ vốn tài liệu thư viện thông qua các điều kiện thành lập, giải thể, chấm dứt hoạt động của thư viện. Mở rộng chức năng và hoạt động của thư viện nhằm tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ công của thư viện…
Tán thành với sự cần thiết của việc xây dựng Luật và đề xuất những điểm mới này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên & nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa cho rằng, Dự Luật cần tiếp tục làm rõ các vấn đề như cơ chế, chính sách cho hoạt động thư viện để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Thường trực Ủy ban cho rằng, Dự Luật cần tập trung giải quyết, đáp ứng được những yêu cầu về phát triển công nghệ và tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, cần quan tâm đến các thiết chế thư viện cơ sở, các loại hình thư viện công cộng – thiết chế phục vụ người dân trực tiếp ở cơ sở, thư viện trường học; thư viện cho đối tượng trong lực lượng vũ trang và học sinh, sinh viên. Qua đó, mới đáp ứng được yêu cầu xây dựng, hình thành thói quen đọc sách người dân.

Trần Hà

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-cho-hoat-dong-thu-vien-322289.html