Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử

Theo Bộ Công Thương, chứng thực hợp đồng điện tử là bước đệm để các doanh nghiệp bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số toàn cầu, giúp giảm bớt khoảng cách trong giao dịch thương mại.

Phát biểu tại hội nghị Phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam - Triển khai Nghị định 85 ngày 16/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, dịch COVID-19 đã dẫn đến thói quen và hành vi của doanh nghiệp, người dân tại Việt Nam cũng thay đổi nhanh chóng. Một trong những thay đổi đó là doanh nghiệp đang dần chuyển từ sử dụng hợp đồng, chứng từ bằng giấy thông thường sang sử dụng hợp đồng, chứng từ điện tử. Việc ứng dụng hợp đồng điện tử không chỉ giúp cho các doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn giúp giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh, khoảng cách trong giao dịch thương mại.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị

“Trong năm 2022, người dân, doanh nghiệp sẽ có thể sử dụng hợp đồng điện tử thay thế hoàn toàn cho hợp đồng truyền thống với giải pháp chứng thực của các Tổ chức cung cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử được cấp đăng ký bởi Bộ Công Thương”, ông Tân cho hay.

Ông Tân cũng yêu cầu, việc phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam cần phải đáp ứng đủ các tiêu chí đóng vai trò xây dựng và phát triển thị trường ứng dụng thực tế của hợp đồng điện tử. Từ đó có thể đáp ứng nhu cầu thiết yếu để hoàn tất quy trình ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong hoạt động của doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả, giảm thiểu được việc lãng phí giấy tờ, tiết kiệm thời gian và tạo môi trường điều hành chuyên nghiệp. Đặc biệt là giúp kết nối các nền tảng công nghệ, các hạ tầng số tin cậy của Chính phủ đến các doanh nghiệp, tổ chức, người dùng thông qua các giao dịch thương mại.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) sau khi được cấp đăng ký, có thể cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với quy trình đảm bảo tính bảo mật, chống chối bỏ, toàn vẹn dữ liệu và sẵn sàng khả năng kiểm tra, xác thực giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử.

Theo ông Tân, với việc hành lang pháp lý cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam đã được hoàn thiện, Bộ Công Thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức trọng tài thương mại, các cơ quan giải quyết tranh chấp; các nhà cung cấp dịch hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; các tổ chức chứng thực chữ ký số, dấu thời gian; các Tập đoàn, doanh nghiệp (DN), tổ chức ứng dụng hợp đồng điện tử; nghiên cứu, xây dựng các giải pháp hỗ trợ, phát triển, ứng dụng hợp đồng điện tử rộng rãi tại Việt Nam, thực hiện chủ chương của Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường.

Ra mắt Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam

Tại Hội nghị, đã diễn ra Lễ công bố Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (www.CeCA.gov.vn) do Trung tâm Tin học và Công nghệ số phối hợp cùng các đối tác công nghệ để phát triển. Hệ thống Trục sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các Tổ chức Chứng thực hợp đồng điện tử trong hoạt động cung cấp dịch vụ, đồng thời cung cấp Cổng tra cứu, xác thực hợp đồng điện tử (xacthuc.CeCa.gov.vn) cho bên thứ ba.

Thục Quyên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-cho-hoat-dong-chung-thuc-hop-dong-dien-tu-post1446513.tpo