Hoàn thiện hạ tầng thanh toán: Thúc đẩy ngân hàng số

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - Nguyễn Kim Anh - cho biết, để thúc đẩy chuyển đổi ngân hàng số, ngoài việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, ngân hàng tiếp tục chỉ đạo nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt.

Đánh giá việc chuyển đổi ngân hàng số, chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường Đại học kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) - cho rằng, các ngân hàng đã và đang đầu tư mạnh cho hệ thống ngân hàng lõi và tăng tỷ trọng tự động hóa trong quy trình hoạt động. Một số sản phẩm mới cùng với những cải tiến chất lượng dịch vụ đã nhận được phản hồi tích cực khi tỷ lệ khách hàng sử dụng sản phẩm số của các ngân hàng ngày càng tăng.

 Các ngân hàng đang tăng tỷ trọng tự động hóa trong quy trình hoạt động

Các ngân hàng đang tăng tỷ trọng tự động hóa trong quy trình hoạt động

Tuy nhiên, chuyển đổi ngân hàng số phụ thuộc vào phát triển của mỗi ngân hàng và việc định vị chính họ trong hệ sinh thái mới. Giai đoạn đầu, ngân hàng sẽ phải tiếp cận với hình thức cạnh tranh mới là thay đổi cung - cầu dịch vụ tài chính, đầu tư phát triển các kênh (tập trung vào thiết bị di động) và sản phẩm số mới (tập trung vào thanh toán bán lẻ) để định vị bản thân. Giai đoạn hai, thích ứng với công nghệ mới, thực hiện thay đổi chuyên sâu để chuyển đổi nền tảng cơ sở hạ tầng linh hoạt, tăng tốc phát triển sản phẩm mới... Giai đoạn ba, tạo ra lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào công nghệ bằng cách áp dụng chiến lược số hóa thay đổi sâu rộng vận hành cơ cấu tổ chức của mình.

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, hiện nay quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng tại Việt Nam chủ yếu ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, đã có sự phân hóa theo hướng nâng cao, khi nhóm ngân hàng có vốn nhà nước (VCB, BIDV, VietinBank…) với lợi thế nguồn vốn đã mạnh tay đầu tư nhằm thích ứng với giai đoạn 2 của quá trình chuyển đổi. Một số ngân hàng tư nhân, như Techcombank cũng đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, duy trì chương trình miễn phí tất cả giao dịch của khách hàng cá nhân qua kênh điện tử vài năm gần đây; hay ACB đã và đang đầu tư chuyển đổi ngân hàng bán lẻ truyền thống thành ngân hàng số...

Để chuyển đổi sang hoạt động ngân hàng số đúng định hướng, ngoài nỗ lực của ngân hàng, thì cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho vấn đề này rất quan trọng; cần phải có hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo thuận tiện, an toàn và hiệu quả.

Mới đây, làm việc với lãnh đạo ngân hàng Citibank ASEAN, liên quan đến phát triển ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Phó Thống đốc NHNN - Nguyễn Kim Anh - cho biết: Để tạo thuận lợi cho ứng dụng đổi mới sáng tạo, thúc đẩy số hóa trong hoạt động ngân hàng… NHNN Việt Nam đã tham mưu Chính phủ sửa đổi chính sách, trong đó có nội dung liên quan đến định danh khách hàng theo phương thức điện tử.

Hiện tại, NHNN đang xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó sẽ có những bổ sung phù hợp với bối cảnh mới. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi và dự kiến sẽ ban hành văn bản hướng dẫn về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo hướng cho phép mở tài khoản theo phương thức điện tử với những nguyên tắc cụ thể, vừa bảo đảm thuận tiện cho ngân hàng và khách hàng trong cung ứng, tiếp cận dịch vụ, nhưng vẫn bảo đảm định danh khách hàng…

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh: NHNN tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán; ban hành tiêu chuẩn về thanh toán QR code, tiêu chuẩn thẻ chíp nhằm tăng cường tính kết nối, xử lý liên thông giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán và phục vụ thanh toán an toàn.

Lan Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoan-thien-ha-tang-thanh-toan-thuc-day-ngan-hang-so-129958.html